Bắc Ninh với chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn
Quang cảnh hội thảo về xây dựng chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn. |
Tiêu biểu cho chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn của tỉnh là Nghị quyết số 182 ngày 9-12-2010 của HĐND tỉnh khóa 16 về quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 48 ngày 25-4-2012 của HĐND tỉnh khóa 17 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 182; Nghị quyết số 128 ngày 24-4-2014 của HĐND tỉnh khóa 17 về việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh.
Các Nghị quyết trên được ban hành và đi vào cuộc sống đã kích thích, tạo đà cho nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp, xây dựng các hạ tầng nông thôn. Từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống nông dân, cải thiện bộ mặt nông thôn. Sản xuất từng bước chuyên canh theo hướng đầu tư vào cây, con hàng hóa có giá trị cao, năng suất cây trồng, vật nuôi ngày một tăng. Dồn điền đổi thửa, canh tác trên cánh đồng mẫu lớn, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, bước đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đã hình thành các vùng chuyên canh lúa hàng hóa, chuyên canh rau màu, hoa, cây cảnh, nhiều mô hình trang trại quy mô, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2011 đến năm 2014, tỉnh đã bố trí xấp xỉ 300 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Năm 2015, tỉnh hỗ trợ 115 tỷ đồng cho sản xuất nông nghiệp và 43 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý chất thải khu chăn nuôi tập trung. Vì vậy, mặc dù diện tích canh tác giảm nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn có xu hướng tăng. Năm 2014, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh 2010) ước đạt 8.350,5 tỷ đồng, tăng 1,8% so năm 2013. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng gần 700 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Tính đến hết ngày 31-3-2015, toàn tỉnh có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 57 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 3 xã đạt 9 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 13,63 tiêu chí/xã.
Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, Tỉnh ủy, HĐND, UBND luôn quan tâm chỉ đạo các ngành liên tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội của nông thôn được cải thiện. Vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh phối hợp tổ chức hội thảo “Xây dựng chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Qua hội thảo đã khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế trang trại, kinh tế vườn trong việc nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh lương thực. Việc được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, khuyến khích theo các Nghị quyết 182, 48 và 128 của HĐND tỉnh đã tạo đà thuận lợi cho kinh tế trang trại và kinh tế vườn. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy vẫn còn những khó khăn cần giải quyết để thúc đẩy kinh tế trang trại, kinh tế vườn phát triển hơn nữa, khai thác hết tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Các khó khăn, hạn chế cần giải quyết như: Chủ trang trại thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh doanh; đầu tư sản xuất chủ yếu theo chiều rộng, chưa chú trọng tập trung vào chiều sâu; chính sách về quản lý đất đai chưa thực sự thông thoáng, chưa tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư sản xuất; vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng chưa được giải quyết triệt để… Đây là một trong những căn cứ quan trọng để tỉnh tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù để điều chỉnh, qua đó tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho nông dân đầu tư vào kinh tế vườn, kinh tế trang trại, từng bước hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
Nguồn BaoBacNinh.