Quá trình phát triển của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh

10/09/2019 11:04 View Count: 45918

Ngày 04/3/1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước (tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay) được thành lập theo Sắc lệnh số 016/SL của Chủ tịch nước, đánh dấu sự ra đời, phát triển và đóng góp quan trọng của ngành khoa học và công nghệ  vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 18/5/1963 tại Hội nghị Khoa học và kỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và có bài phát biểu quan trọng. Ngày 18/6/2013 Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, trong đó lấy ngày 18/5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ngành khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Ninh từ khi được thành lập, cùng với cả nước, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau đây xin giới thiệu những nét chính trên chặng đường xây dựng và trưởng thành của ngành khoa học và công nghệ Hà Bắc trước đây và Bắc Ninh hiện nay.

Thời kỳ 1963-1975: Ra đời và hoạt động của ngành góp phần xây dựng và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 01/4/1963, thi hành Nghị quyết của Quốc hội Nước Việt Nam DCCH, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Theo quy định tại Thông tư số 66/TTLB giữa Ủy ban Khoa học Nhà nước và Bộ Nội vụ ngày 13/5/1963 Ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Hà Bắc được thành lập. Ngày 02/8/1967 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Bắc ra Nghị quyết số 253/NQ-HB để chỉ đạo công tác KHKT. Trong 2 ngày 5-6/5/1967 đã diễn ra Đại hội trí thức toàn tỉnh lần thứ nhất, lúc này lực lượng cán bộ KHKT của tỉnh còn rất ít ỏi, trình độ đại học chỉ có trên 400 người.

Cùng với khí thế chung của cả nước ra sức thi đua đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng CNXH ở miền Bắc, chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, hoạt động KHKT thời kỳ này cũng góp phần đáng kể trong một số lĩnh vực SX&ĐS. Trong nông nghiệp: công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kỹ thuật đã có tác dụng rõ rệt. Trong việc cải tiến kỹ thuật, cải tiến công cụ, đã có hàng chục nghìn cày, bừa cải tiến được đưa vào áp dụng; các đề tài thí nghiệm tăng năng suất cây lạc, kỹ thuật trồng rau giáp vụ, cho lợn ăn thức ăn sống ủ men đã được triển khai thực hiện; đã nghiên cứu thành công sử dụng than bùn làm phân vi sinh, làm phân xanh, tưới tiêu khoa học, thả bèo hoa dâu; đưa cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở chỉ đạo sản xuất giống lúa mới, phát triển lúa xuân… với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Kết quả, vụ xuân 1963-1964 năng suất lúa tăng từ 15-30%; thời gian này cũng đã hoàn thành việc điều tra thổ nhưỡng phục vụ cho phân vùng canh tác và cải tạo đất…

Trong công nghiệp cũng có nhiều cải tiến về cơ khí, sản xuất máy ép gạch, máy cấy, chế men gốm, sứ; nghiên cứu triển khai xây dựng trạm thủy điện nhỏ; đưa cơ khí nhỏ vào HTX nông nghiệp, chế tạo lò sấy khoai, sắn, làm nha khoai lang, trồng nấm rơm; cải tiến công cụ cào cỏ 64A thành 64B, 64C…

Trong giao thông vận tải đã thử nghiệm thành công biện pháp kỹ thuật mới rải cấp phối mặt đường chống ổ gà, hướng dẫn kỹ thuật làm giao thông nông thôn, cải tiến các công cụ làm đường; bước đầu áp dụng vận trù học giúp các ngành có lượng hàng hóa lớn làm kế hoạch vận chuyển theo sơ đồ mạng đạt hiệu quả cao.

Trong y tế, đã triển khai các biện pháp tiêu diệt bệnh sốt rét, chữa bệnh bằng thuốc nam, châm cứu, đông tây y kết hợp. Dược phẩm Hà Bắc đã sản xuất được nhiều loại thuốc nam thay thế một phần thuốc tây.

Về công tác quản lý kỹ thuật: ngày 01/8/1968 Phòng Đo lường tiêu chuẩn được thành lập, đi vào hoạt động. Trong điều kiện chiến tranh, kinh phí có hạn, cơ quan đã trang bị chuẩn khối lượng, một số công cụ sửa chữa cân, xe kéo tay, lập đội kiểm định và sửa chữa cân lưu động ở nhiều huyện trong tỉnh. Từ năm 1970 đã mở rộng diện kiểm định sang độ dài thương nghiệp và dung tích. Triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành TCVN, xây dựng các tiêu chuẩn địa phương và tiêu chuẩn cơ sở. Tổ chức phòng hóa nghiệm tổng hợp, triển khai phân tích, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Về công tác thông tin sáng kiến, đã xuất bản nhiều tài liệu kỹ thuật canh tác lúa, nông lịch, sổ tay kỹ thuật, tổ chức triển lãm lưu động về công cụ cải tiến; tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật với chủ đề chống chiến tranh hóa học, vi trùng, thâm canh lúa, hoa màu, chăn nuôi lợn,…

Có thể nói, thời kỳ đầu xây dựng, ngành khoa học tỉnh nhà còn rất non trẻ, lực lượng cán bộ mỏng, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, nhưng với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”, “tất cả cho tiền tuyến”, đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành là chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đưa nhanh các thành tựu KHKT vào sản xuất ra nhiều của cải vật chất để chi viện cho chiến trường, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời kỳ 1976-1985: góp phần cùng nhân dân toàn tỉnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau thống nhất đất nước

Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 20/4/1981của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 23/12/1981 của Tỉnh uỷ Hà Bắc về KHKT; trên cơ sở hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy theo Quyết định số 237/QĐ-UB của UBND tỉnh Hà Bắc, hoạt động KHKT của tỉnh thời kỳ này tiếp tục được mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Ngành đã tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức Đại hội trí thức tỉnh Hà Bắc lần thứ 2 (thời gian này Hà Bắc đã có khoảng 2.200 cán bộ có trình độ đại học). Tham mưu, dự thảo, trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TU về công tác KHKT của tỉnh.

Hoạt động phổ biến áp dụng KHKT vào sản xuất được đẩy mạnh, công tác kế hoạch hóa KHKT đã bắt đầu đi vào nề nếp; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; phong trào quần chúng tiến quân vào KHKT được phát động rộng khắp trong các nông trường, xí nghiệp và đạt nhiều kết quả tốt. Nhiều đề tài khoa học được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần giải quyết những khó khăn gay gắt về lương thực, thực phẩm. Các đề tài thâm canh giống lúa mới, sản xuất ngô lai, đậu tương, khoai tây giống … Cơ giới hóa khâu bốc dỡ ở HTX vôi Quyết Tiến, thiết kế chế tạo máy bứt củ lạc, nuôi tảo Spirulina làm thức ăn cho gà, thụ tinh nhân tạo sản xuất giống lợn lai kinh tế; xây hầm khí biogas ở các trại chăn nuôi tập trung giải quyết vấn đề chất đốt, vệ sinh môi trường. Mỗi năm xuất bản và phát hành 4 kỳ tạp chí KHKT với 4.000 bản; 3.000cuốn nông lịch; các tập tin chuyên đề kỹ thuật phục vụ chương trình cải tạo đất của tỉnh.

Công tác quản lý giai đoạn này được tăng cường một bước trên cơ sở các văn bản pháp lý đã được từng bước hoàn thiện. Hướng dẫn các cơ sở áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn ngành. Kiểm tra các dụng cụ đo khối lượng ở các cơ sở lưu thông phân phối; kiểm định dung tích hệ thống bình đong, xe stec chở xăng dầu…; tiến hành kiểm tra trên diện rộng đối với nhiều loại lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, hạt giống lúa…góp phần chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thời kỳ 1986-1997: hoạt động của ngành trong 10 năm đầu đổi mới

Giai đoạn bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới, xoá bỏ chế độ kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất. Trong nông nghiệp, “khoán 10” đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Nông dân thực sự làm chủ phần ruộng của mình, phấn khởi tìm tòi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Chỉ sau một năm, từ một nước phải nhập khẩu lương thực (1988), chúng ta đã đủ tiêu dùng và xuất khẩu (1,2 triệu tấn gạo năm 1989).

Để phù hợp với tình hình mới, tổ chức và hoạt động của ngành cũng có nhiều thay đổi thích ứng. Hội đồng KHKT tỉnh, Chi cục TCĐLCL, Trung tâm ứng dụng và dịch vụ KHKT được thành lập. Hoạt động phổ biến, áp dụng KHKT vào sản xuất và đời sống được đẩy mạnh. Hàng chục loại giống cây trồng, vật nuôi mới được tuyển chọn bổ sung vào sản xuất, cùng với sự đầu tư của nông dân đã góp phần đáng kể nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo ổn định vững chắc nhu cầu lương thực, thực phẩm. Trong công nghiệp, giao thông, xây dựng: áp dụng phụ gia trong đúc bê tông đông kết nhanh, tiết kiệm 10% ximăng; ứng dụng lò gang rót thẳng, đúc quay tay tiết kiệm 40-50% nguyên liệu; áp dụng TBKT đóng mới vỏ xe ca 26-46 chỗ ngồi, phà trọng tải 30 tấn, xà lan lưới thép 50 tấn; ứng dụng kỹ thuật mặt đường cấp phối Ivanốp; sản xuất cột điện H16; chế tạo máy ép gạch hoa trang trí, máy ép trục vít HT-02, máy bơm trục xiên, động cơ điện, quạt bàn sải cánh 400mm…

Trong công tác quản lý, bắt đầu áp dụng cơ chế quản lý, triển khai thực hiện các đề tài khoa học thông qua hợp đồng kỹ thuật, coi trọng đánh giá về trình độ công nghệ và hiệu quả kinh tế. Đã có hàng trăm tiêu chuẩn kỹ thuật các loại được áp dụng vào sản xuất; hàng trăm sản phẩm được đăng ký chất lượng. Hầu hết các phương tiện đo của các ngành thương nghiệp, lương thực, ngoại thương, vật tư… được kiểm tra, kiểm định thường xuyên. Công tác thanh tra đi vào nề nếp, xử lý nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng (giống, vật tư, phân bón…). Công tác thông tin KHKT được mở rộng, bên cạnh tạp chí, lịch KHKT còn xuất bản Thông tin KHXH, Bản tin phục vụ lãnh đạo; phối hợp với Báo Hà Bắc hàng tháng có trang chuyên đề KHKT, Đài phát thanh hàng tuần có buổi phát thanh KH&ĐS; tổ chức nhiều hội thảo khoa học, nhiều buổi chiếu phim băng hình KHKT ở các ngành, huyện và xí nghiệp s.xuất.

Thực hiện hướng dẫn của Trung ương, ngày 5/5/1994 UBND tỉnh Hà Bắc ra Quyết định số 62/QĐ-UB thành lập Sở Khoa học,Công nghệ và Môi trường tỉnh. Thực hiện chức năng mới, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế bảo vệ môi trường, thành lập Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Thời kỳ 1997 đến nay: Hoạt động của ngành phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá sau khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập.

Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, trong bộn bề khó khăn, mặc dù lực lượng cán bộ chỉ có hơn 10 người, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm, đội ngũ cán bộ, công chức của ngành đã khắc phục khó khăn, ổn định tổ chức và bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ.  Ngay trong tháng 5/1997 ngành đã tham mưu để Tỉnh ủy lâm thời ra Nghị quyết số 02-NQ/TU về định hướng phát triển KH&CN đến năm 2010 nhằm đưa KH&CN phục vụ cho mục tiêu CNH-HĐH của tỉnh.

Trong hơn 20 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Qui mô kinh tế của tỉnh theo giá hiện hành năm 2018 đã tăng gấp 92 lần so với năm 1997; tương ứng, GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 6.498USD, đứng thứ 2 cả nước và gấp gần 33 lần; công nghiệp của tỉnh phát triển vượt bậc theo hướng công nghệ cao, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.136 nghìn tỷ đồng, đứng đầu toàn quốc; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; kim ngạch xuất khẩu đạt 34,9 tỷ USD đứng thứ 2 toàn quốc; thu ngân sách đạt gần 28 ngàn tỷ đồng; xấp xỉ 92% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống nhân dân được cải thiện. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp của hoạt động KH&CN. Về công tác tham mưu, trong hơn 20 năm, sở đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành 12 nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch để chỉ đạo các hoạt động KH&CN trên địa bàn. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, các ngành chức năng đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án cụ thể để phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…đóng góp có hiệu quả vào phát triển các lĩnh vực kinh tế-xã hội của địa phương. Các ngành các cấp đã triển khai thực hiện 2.255 đề tài, dự án KH&CN. Hoạt động nghiên cứu KHXH&NV đã đóng góp một phần cơ sở khoa học cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Các TBKT về giống, biện pháp thâm canh đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng, trang trại sản xuất hàng hoá tập trung, tạo tiền đề để phát triển chương trình cơ giới hoá, nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh uỷ bằng Nghị quyết 09-NQ/TU và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp trong việc đưa giống mới vào sản xuất đã tạo bước đột phá về năng suất (từ 1997-2018 năng suất lúa tăng gần 1,6 lần, từ 39,2tạ/ha lên 61,8tạ/ha; ngô, lạc, đậu tương, khoai tây tăng từ 10-55%; thuỷ sản tăng 4,6 lần; giá trị 1ha canh tác tăng 6,3 lần, từ 17,2 triệu đồng năm 1997 lên 108 triệu đồng năm 2018; các khâu làm đất, thu hoạch lúa được cơ giới hoá 80-90%; đã có hàng chục ha nhà lưới, nhà kính sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thu nhập đạt 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha). Trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất công nghiệp và khu vực làng nghề được nâng lên một bước, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp địa phương; chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã hình thành các ngành công nghiệp công nghệ cao có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu lớn. Đã xây dựng cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với HTQLCL ISO 9001:2008, 2015 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và từng bước hiện đại hoá các cơ quan hành chính.

Hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN được đổi mới, tập trung cho công tác tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; triển khai mạnh công tác thanh tra, kiểm tra góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, góp phần lành mạnh hoá quan hệ thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt tiềm lực KH&CN của địa phương được nâng lên đáng kể. Đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên làm việc trong lĩnh vực công (trừ công an và quân đội) đạt xấp xỉ 20 người/1.000 dân, gấp gần 3 lần so với thời điểm tái lập tỉnh; riêng khối QLNN số CBCC có trình độ Tiến sĩ chiếm 1,5%, Thạc sĩ chiếm 50,7% trong tổng số 1.420 người có trình độ từ CĐĐH trở lên. Sở Khoa học và Công nghệ được kiện toàn về cơ cấu tổ chức và bộ máy, có 7 phòng chức năng, 3 đơn vị trực thuộc; tất cả các huyện/thị xã/thành phố đều có cán bộ lãnh đạo phòng và chuyên viên theo dõi hoạt động KH&CN; 85% trong tổng số gần 100 cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong ngành có trình độ đại học, 20% trong số đó có trình độ trên đại học. Tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng được củng cố vững mạnh, đã thành lập Đảng bộ ngành với 4 chi bộ trực thuộc, tổng số 52 đảng viên chiếm 68% số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Được sự quan tâm của tỉnh, của Bộ cơ sở vật chất được tăng cường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đã xây dựng được phòng thử nghiệm vật liệu xây dựng đạt tiêu chuẩn VILAS, phòng nuôi cấy mô, Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp CNC…

Những thành tựu đạt được trong suốt 60 năm qua, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ còn có sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành. Những đóng góp ấy đã được ghi nhận bằng các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân cũng đã được tặng thưởng Huân chương lao động, Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh./.

bn-current-user-online-portlet

Online : 4065
Total visited : 150679721