Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo giúp địa phương điều hành, chỉ đạo sát thực tiễn

18/03/2024 07:00 View Count: 114

Nhiều địa phương kiến nghị cần có bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương để có căn cứ khoa học và số liệu minh chứng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH ở địa phương được tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.

 

Sự cần thiết và mục đích của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Chính phủ đã khẳng định phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Tuy nhiên, do chưa có các mô tả định lượng để hình dung và cụ thể hóa thành mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nên cần thiết phải có bộ chỉ số mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), qua đó cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để giúp các cấp lãnh đạo có căn cứ xác định, lựa chọn định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST ở cả cấp quốc gia và địa phương.

Ở cấp quốc gia, từ năm 2017, như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Chính phủ đã sử dụng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu (tiếng Anh là Global Innovation Index, viết tắt là GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố hằng năm như một công cụ quan trọng để qua đó xác định các điểm mạnh, điểm yếu của Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, cũng như để kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách có liên quan. Tại Nghị quyết hằng năm, Chính phủ phân công cụ thể đến từng bộ, ngành chủ trì theo dõi và cải thiện các chỉ số Việt Nam còn hạn chế, đồng thời giao Bộ KH&CN làm đầu mối điều phối, theo dõi chung.

Dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao, cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Năm 2023, Việt Nam có thứ hạng GII là 46, tăng 02 bậc so với năm 2022.

Trong 10 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng GII của Việt Nam tăng 30 bậc (từ vị trí 76 lên 46). Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp (năm 2022 và năm 2023, Việt Nam đều đứng thứ 2, sau Ấn độ). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan), đạt chỉ tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2023 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023. Theo các chuyên gia, trong 13 năm liên tiếp, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển cho thấy hiệu quả của Chính phủ trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra, phát triển KT-XH.

Ở cấp địa phương, do chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia nên nhiều số liệu thống kê ở cấp địa phương không có.Phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới nên có một số nội dung không tương đồng với thực tiễn tại các địa phương của Việt Nam.

Bên cạnh đó, do có sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô KT-XH, dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển... nên các địa phương sẽ phải lựa chọn mô hình phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST khác nhau để phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng. Do đó, nhiều địa phương đã kiến nghị cần có bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương để có căn cứ khoa học và số liệu minh chứng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST ở địa phương được tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.

Top 10 địa phương có chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất cả nước. 

Quá trình tổ chức triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc năm 2023

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của WIPO, trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm xây dựng các bộ chỉ số cấp địa phương đã có trong nước (chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia PCI, chỉ số Cải cách hành chính PAR, chỉ số Chuyển đổi số DTI…) và nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài (một số quốc gia có bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương như Trung Quốc, Ấn Độ, Columbia, Mỹ... trong đó, Ấn Độ và Columbia cũng dựa trên bộ chỉ số ĐMST toàn cầu GII của WIPO), Bộ KH&CN đã xây dựng bộ chỉ số PII theo 10 bước như hướng dẫn của OECD về xây dựng bộ chỉ số tổng hợp, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam.

Năm 2022, sau khi được Chính phủ cho phép triển khai thử nghiệm Bộ chỉ số PII (tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022), Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai thử nghiệm trên 20 địa phương đại diện cho 6 vùng kinh tế, có các điều kiện và đặc điểm KT-XH khác nhau. Sau quá trình thu thập và xử lý dữ liệu, có 18 địa phương có dữ liệu đủ điều kiện để đưa vào tính toán.

Phương pháp và kĩ thuật tính toán năm 2022 đã được gửi tới chuyên gia quốc tế độc lập (do WIPO giới thiệu) để thực hiện đánh giá và sau đó được chuyên gia quốc tế phát hành Báo cáo đánh giá, trong đó khẳng định khung chỉ số và các chỉ số thành phần được thiết kế bám sát cấu trúc của GII, phản ánh hiện trạng của đối tượng được đo lường; các bước xử lí dữ liệu, tính toán… được thực hiện đầy đủ, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy; kết quả thử nghiệm cho thấy bộ chỉ số PII năm 2022 đủ mạnh để đưa ra những kết luận hữu ích; kết quả đánh giá cũng chỉ ra còn một vài chỉ số cần được xem xét khi triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2023, Bộ KH&CN đã báo cáo kết quả thử nghiệm năm 2022 và sau đó được Chính phủ quyết định giao nhiệm vụ “chính thức triển khai Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023” tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2023. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã tích cực, chủ động tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến các chuyên gia, các bộ, cơ quan, địa phương để hoàn thiện Bộ chỉ số PII năm 2023 và tổ chức triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Cuối tháng 12, Bộ KH&CN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai Bộ chỉ số PII năm 2023. Ngày 05/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (Nghị quyết số 02/NQ-CP). Theo đó, Chính phủ giao Bộ KH&CN “chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai, công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hàng năm” và giao nhiệm vụ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “bố trí nguồn lực, tích cực, chủ động phối hợp với Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan để thu thập, cung cấp các dữ liệu tại địa phương và đặt mục tiêu cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hằng năm trong kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương”.

Khái quát về khung chỉ số PII và phương pháp tính toán

Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo nguyên lý của bộ chỉ số GII), gồm có: 05 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST, bao gồm (1) Thể chế, (2) Vốn con người, Nghiên cứu và Phát triển, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường và (5) Trình độ phát triển của doanh nghiệp; 02 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH, bao gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, (7) Tác động.

Dữ liệu phục vụ xây dựng bộ chỉ số PII 2023 được lấy từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất từ số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các Bộ, cơ quan quản lí nhà nước, tổ chức ở trung ương (có 39/52 chỉ số) và nguồn thứ hai do các địa phương thu thập, cung cấp - kèm theo các tài liệu minh chứng (có 13/52 chỉ số). Trong giai đoạn thu thập dữ liệu, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều hội thảo, buổi làm việc với các bộ, cơ quan trung ương để trao đổi thống nhất thu thập dữ liệu từ các cơ quan quản lí nhà nước. Đối với các địa phương, Bộ KH&CN đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn và tổ chức các buổi trao đổi, tập huấn cho các địa phương để thu thập dữ liệu cũng như cung cấp tài liệu minh chứng liên quan.

Trong giai đoạn xử lí, phân tích dữ liệu, tính toán chỉ số và xây dựng báo cáo, Bộ KH&CN đã thực hiện theo các chuẩn mực quốc tế, sau đó tiếp tục gửi tới chuyên gia quốc tế độc lập (do WIPO giới thiệu từ năm 2022) để chuyên gia đánh giá độc lập trên nhiều góc độ như phương pháp thiết kế bộ chỉ số, độ tin cậy của dữ liệu, kỹ thuật tính toán…

Hà Nội, TP.HCM là 2 địa phương dẫn đầu

Mới đây, Bộ KH&CN đã công bố danh sách 10 địa phương có chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cấp địa phương (PII) năm 2023. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương dẫn đầu cả nước. 

Hà Nội đứng đầu ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần. Trong số này có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế xã hội như chỉ số phát triển con người.

Hà Nội có các điểm mạnh vượt trội đều đạt 100 điểm, như số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên, tín dụng cho khu vực tư nhân hay đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích.

TP.HCM đạt 55.85 điểm, xếp hạng 2, là địa phương dẫn đầu 12/52 chỉ số thành phần. Trong đó gồm các chỉ số như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và một số sản phẩm về tài sản trí tuệ, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích.

TP.HCM cũng có các điểm mạnh vượt trội đều đạt 100 điểm về hạ tầng số, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, số doanh nghiệp mới thành lập và mật độ doanh nghiệp cùng đóng góp GDP cả nước. Tuy nhiên, một số chỉ số được chỉ ra là điểm yếu bao gồm chính sách, quản trị môi trường, đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể và tính năng động của chính quyền địa phương.

Source: Vietq.vn

bn-current-user-online-portlet

Online : 5045
Total visited : 151071359