Các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí thực tế của dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp
Các quy định đang được áp dụng để tính toán mức chi phí thực hiện dịch vụ giám định về sở hữu công nghiệp chưa hoàn toàn phù hợp, phân bổ chưa thỏa đáng nên cần có sự đánh giá, tính toán khoa học cụ thể để phát huy được toàn bộ vai trò của dịch vụ này.
Dịch vụ giám định về sở hữu công nghiệp là một trong những công cụ quan trọng bổ trợ cho hệ thống bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ với mục đích cung cấp chứng cứ chuyên gia mang tính pháp lý hỗ trợ việc đưa ra các quyết định giải quyết vụ việc tranh chấp, xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý... Tuy nhiên, các quy định đang được áp dụng để tính toán mức chi phí thực hiện dịch vụ chưa hoàn toàn phù hợp, phân bổ chưa thỏa đáng nên cần có sự đánh giá, tính toán khoa học cụ thể để phát huy được toàn bộ vai trò của dịch vụ này.
Giới thiệu chung
Việc xác định chi phí thực tế cho một loại sản phẩm/dịch vụ được coi là khá phức tạp vì thực chất đây là sự tập hợp một chuỗi các công việc liên quan chặt chẽ đến nhau như xây dựng, xét duyệt, ban hành áp dụng, quản lý thực hiện và sửa đổi các định mức về chi phí. Cần phải biết rõ số lượng lao động và chất lượng lao động như thế nào, khối lượng tiêu hao nguyên, vật liệu, máy móc thiết bị và phương tiện ra sao để cung cấp hoàn chỉnh một sản phẩm/dịch vụ hay hoàn thành một khối lượng công việc.
Nói một cách khác, cần phải biết rõ lượng hao phí trong lao động, vật tư, máy móc thiết bị được quy định là bao nhiêu để có thể hoàn thành một đơn vị sản phẩm/dịch vụ hoặc khối lượng công việc đúng theo tiêu chuẩn chất lượng, trong những điều kiện tổ chức - kỹ thuật nhất định, phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh riêng về các nguồn lực của tổ chức.
Căn cứ xác định chi phí thực tế cho dịch vụ cụ thể sẽ gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ, thông số kỹ thuật, yêu cầu cơ bản, năng lực thực hiện, trình độ tổ chức, hạ tầng công nghệ; quy định pháp luật hiện hành về chế độ làm việc của người lao động; điều kiện thực tế hoạt động của các đơn vị về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực tài chính, đất đai; số liệu thống kê hằng năm và các tài liệu có liên quan.
Tất cả các công việc trên cũng đều áp dụng nguyên tắc chung như khi xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN ngày 18-12-2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tức là, cần bảo đảm tính đúng, tính đủ các hao phí cần thiết để hoàn thành một sản phẩm/dịch vụ công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành; được xây dựng trên cơ sở, quy trình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công và quy định của pháp luật về chế độ làm việc của người lao động, các định mức, chi phí áp dụng cho các hoạt động chi tiết quy định tại quy trình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công; được xây dựng theo từng sản phẩm, dịch vụ riêng hoặc nhóm các sản phẩm, dịch vụ tương đồng về nội dung quy trình thực hiện, giống nhau về tính chất, phương tiện và trình tự thực hiện các hạng mục công việc của sản phẩm, dịch vụ công; và đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo tính trung bình tiên tiến, ổn định và thống nhất.
Bộ phận Tiếp nhận đơn và tư vấn về sở hữu trí tuệ tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ.
Việc xác định đúng, đủ chi phí thực tế, trên cơ sở đó xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật có vai trò, tác dụng lớn trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả phục vụ của tổ chức. Định mức kinh tế - kỹ thuật giúp đánh giá, tính toán được thời gian cần thiết để hoàn thành một tiến trình, một chu trình, một quá trình, một công việc cụ thể. Nếu định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở khoa học thì đây là cơ sở thực hiện hiệu quả các chức năng cơ bản của quản lý như hoạch định, tổ chức, điều khiển, giám sát, kiểm tra.
Dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp
Theo Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 27-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ (Phụ lục) có bao gồm “Dịch vụ số III.2 - Dịch vụ giám định về sở hữu công nghiệp phục vụ quản lý nhà nước”; và Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN ngày 18.12.2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ (Phụ lục) quy định cụ thể dịch vụ giám định về sở hữu công nghiệp (“SHCN”) bao gồm các dịch vụ sau đây:
(i) Dịch vụ giám định về sáng chế;
(ii) Dịch vụ giám định về kiểu dáng công nghiệp;
(iii) Dịch vụ giám định về thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
(iv) Dịch vụ giám định về nhãn hiệu;
(v) Dịch vụ giám định về tên thương mại;
(vi) Dịch vụ giám định về chỉ dẫn địa lý;
Các dịch vụ nói trên sẽ bao gồm các định mức kỹ thuật tương ứng, tuy nhiên, dù đối tượng SHCN khác nhau nhưng đều được thực hiện giám định theo cùng một quy trình tổng quát và các định mức cũng được xây dựng dựa trên quy trình giám định chung gồm 05 công đoạn được thể hiện tại Bảng dưới đây:
Bảng 1. Quy trình thực hiện dịch vụ giám định SHCN
Như vậy, chi phí thực tế để thực hiện dịch vụ giám định SHCN là mức hao phí cần thiết về nhân công, máy móc, vật liệu cho tất cả các công đoạn nêu trên để hoàn thành 01 Bản kết luận giám định về sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn/nhãn hiệu/tên thương mại/chỉ dẫn địa lý theo quy trình cung cấp các dịch vụ thuộc lĩnh vực giám định SHCN.
Các yếu tố ảnh hưởng tới chi phí thực tế của dịch vụ giám định SHCN
Như vậy, trong xác định chi phí thực tế để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ giám định SHCN cần phải xét đến ba yếu tố, gồm: định mức lao động; định mức vật tư; định mức máy móc, thiết bị cần tuân theo các quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN, cụ thể như sau:
Định mức lao động là mức tiêu hao lao động cần thiết của con người cần có để hoàn thành việc thực hiện các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ giám định SHCN. Định mức lao động gồm định mức lao động trực tiếp (là thời gian thực hiện xong một dịch vụ - mức hao phí thời gian lao động trong định mức được tính bằng công) và định mức lao động gián tiếp (quản lý, phục vụ) quy định theo tỷ lệ phần trăm của lao động trực tiếp.
Lao động có thể được phân loại theo trình độ kỹ thuật, gồm: lao động kỹ thuật - là lao động được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ theo chuyên ngành: Giám định viên, Nghiên cứu viên, Kỹ sư, Kỹ thuật viên, Công nhân kỹ thuật…; lao động phục vụ (lao động phổ thông) - là lao động giản đơn được thuê mướn để vận chuyển thiết bị, vật tư, hồ sơ và các loại lao động tương tự (Các chức danh này sẽ được đối chiếu và phân cấp cụ thể phù hợp với tổ chức của từng đơn vị theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 01.10.2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN; Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09.10.2014 của Bộ Nội vụ quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính sửa đổi năm 2017 và các văn bản liên quan khác);
Lao động cũng có thể được phân loại theo phạm vi của tổ chức, gồm người lao động thuộc nội bộ hoặc thuê bên ngoài dưới hình thức chuyên gia, có kỹ năng hoặc không có kỹ năng, được trả lương hoặc theo giờ,… Định mức hao phí lao động phụ thuộc vào số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động. Ví dụ: lao động trực tiếp cho một nghiệp vụ giám định có thể bao gồm kỹ sư, kỹ thuật viên, người vận hành… lao động trực tiếp cho một hoạt động nghiệp vụ tư vấn có thể bao gồm chuyên gia tư vấn, người phân tích, người nghiên cứu,…
Định mức lao động phụ thuộc vào số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động, phương pháp làm việc, tỷ lệ năng suất và thời gian người lao động tham gia vào từng nghiệp vụ. Việc tính toán định mức lao động đòi hỏi phải xem xét các yếu tố nói trên.
Định mức vật tư là mức tiêu hao từng loại nguyên, nhiên vật liệu cần thiết để hoàn thành việc thực hiện một nghiệp vụ đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Nội dung định mức sử dụng vật liệu phải xây dựng gồm: xác định danh mục vật liệu cần thiết để sản xuất theo từng nội dung công việc tạo ra một đơn vị sản phẩm; xác định số lượng vật liệu cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm: đơn vị sản phẩm tính mức phải tương ứng với đơn vị sản phẩm phần định mức lao động. Điều này có thể đạt được bằng cách tiến hành phân tích kỹ lưỡng về phạm vi và thông số kỹ thuật của hoạt động nghiệp vụ. Ví dụ trong các nghiệp vụ giám định SHCN, các vật tư như giấy, bút, sổ sách, mực in, bao gói... thường được sử dụng.
Định mức máy móc, thiết bị là thời gian sử dụng cần thiết đối với từng loại máy móc, thiết bị để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ giám định SHCN đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Nội dung định mức sử dụng máy móc thiết bị phải xây dựng gồm: xác định danh mục máy móc thiết bị, phần mềm cần thiết; xác định số ca người lao động trực tiếp sử dụng máy móc thiết bị, phần mềm cần thiết; xác định định mức tiêu hao điện năng, tiêu hao nhiên liệu; thời hạn sử dụng máy móc, thiết bị theo quy định.
Thiết bị có thể được sở hữu hoặc thuê, mới hoặc đã qua sử dụng, cố định hoặc di động... Khi xem xét thiết bị cũng có thể phụ thuộc vào chủng loại, kích thước, công suất, hiệu suất. Ví dụ: định mức về thiết bị cho một hoạt động nghiệp vụ giám định có thể bao gồm máy tính để bàn, máy in đen trắng/màu, máy pho to, máy scan, điện thoại…; định mức của thiết bị cho hoạt động tra cứu phục vụ giám định bao gồm thêm máy tính xách tay, máy chủ, phần mềm,...
Việc tính toán định mức thiết bị đòi hỏi phải xem xét các yếu tố như thời gian sử dụng thiết bị, khấu hao, tiêu thụ nhiên liệu và bất kỳ yếu tố bổ sung nào cho việc sửa chữa hoặc nâng cấp.
Như vậy, dịch vụ giám định SHCN với quy trình gồm năm công đoạn chính như nêu tại Bảng 1 và với mỗi công đoạn sẽ có định mức khác nhau về lao động, máy móc thiết bị, vật tư tương ứng với các công việc cụ thể và yêu cầu đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn của mỗi công đoạn. Dịch vụ này là một loại hình đặc thù, sử dụng các loại vật tư, máy móc, thiết bị tương đối phổ biến, lực lượng lao động gián tiếp không nhiều nhưng lại đòi hỏi thời gian lao động trực tiếp ở mức cao, chiếm đến 70-80%; và trong mỗi công đoạn giám định, mức độ đòi hỏi về thời gian lao động trực tiếp và thời gian lao động gián tiếp cũng khác nhau.
Chẳng hạn, ở Công đoạn 1 - Tiếp nhận đơn yêu cầu/trưng cầu giám định, với công việc cụ thể như tiếp nhận đơn, phân loại, đánh dấu, thu phí, vào sổ, nhập dữ liệu,... sẽ không mất nhiều thời gian lao động trực tiếp, cũng không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, vì vậy định mức lao động trực tiếp và gián tiếp sẽ thấp hơn. Trong khi đó, ở Công đoạn 4 - Xác định yếu tố xâm phạm quyền gồm: định vị, thiết lập công thức, so sánh/đánh giá yếu tố bị nghi ngờ với đối tượng được bảo hộ, kiểm tra các điều kiện liên quan đến hành vi xâm phạm và đưa ra kết luận lại là công đoạn đòi hỏi người lao động có chuyên môn cao, thời gian lao động trực tiếp nhiều nhất.
Một số khuyến nghị đối với việc xác định chi phí thực tế cho dịch vụ giám định SHCN
Để xác định chi phí thực tế cho hoạt động giám định SHCN nhằm xây dựng và tổ chức thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật cho dịch vụ giám định SHCN, cần lưu ý một số vấn đề chủ yếu sau đây:
- Xây dựng danh mục các dịch vụ cụ thể trong nhóm dịch vụ giám định SHCN cần căn cứ vào nội dung, tính chất, cách thức thực hiện của mỗi công việc.
- Xây dựng quy trình giám định SHCN chuẩn, trong đó, làm rõ các công đoạn giám định và các công việc cụ thể trong từng công đoạn giám định, cách thức thực hiện của mỗi công việc, tiêu chí, tiêu chuẩn của mỗi công đoạn, làm cơ sở đo lường, tính toán trị số định mức trong việc thực hiện dịch vụ.
- Xây dựng định mức lao động tính được bằng công, gồm định mức lao động trực tiếp, định mức lao động gián tiếp, định mức máy móc, thiết bị (đơn vị tính bằng ca), định mức vật tư cho từng công việc cụ thể trong mỗi công đoạn của dịch vụ giám định SHCN. Trong đó, cần lưu ý đến mức độ phức tạp của mỗi công việc.
- Việc tính giá dịch vụ giám định SHCN áp dụng theo Điều 5.1 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Khi tính giá dịch vụ giám định SHCN, ngoài việc xác định mức chi phí cho lao động trực tiếp và lao động gián tiếp, máy móc thiết bị, vật tư thì cần tính đến các chi phí sau đây (nếu có): chi phí mua tài liệu, đăng ký quyền để khai thác, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động giám định SHCN; chi phí chuyên gia theo các quy định hiện hành; chi phí di chuyển, công tác phí theo quy định hiện hành; các chi phí phát sinh...
- Trong quá trình tính toán, xây dựng định mức cần áp dụng các phương pháp thống kê tổng hợp, phân tích, thực nghiệm và so sánh.
- Một lưu ý quan trọng khi tính toán định mức lao động thì quá trình lao động trí óc sẽ khó theo dõi và đo trực tiếp chỉ bằng phương pháp định lượng nên cần phải xét đến tính chất và nội dung đa dạng của các công việc không đều nhau và các giai đoạn thực hiện công việc đó; cần xét đến các kết quả đạt được chứ không đơn giản chỉ là hao phí lao động của chuyên viên/nhân viên kỹ thuật.
Trên thực tế, bản chất mức chi phí trong hoạt động giám định SHCN không thể duy trì ổn định trong một thời gian dài do thay đổi khách quan các quy định pháp luật, quá trình công nghệ thay đổi, việc ứng dụng các phương tiện kỹ thuật tự động sẽ làm thay đổi các định mức. Để tiến tới việc quản lý công việc một cách khoa học, đạt năng suất, hiệu quả cao trong công việc thì song song cần có bản mô tả chi tiết công việc theo vị trí từng chức danh, quy định cụ thể vai trò, vị trí, yêu cầu, nhiệm vụ, công việc cụ thể để làm rõ kết quả công việc cần phải đạt được của từng vị trí công việc trong hoạt động giám định một cách chính xác. Từ đó sẽ là căn cứ khoa học để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho dịch vụ giám định SHCN phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN.
3. Thông tư số 25/2014/BTC ngày 17/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hoá, dịch vụ.
4. Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 01.10.2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN.
5. Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN quy định quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN.
6. Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09.10.2014 của Bộ Nội vụ quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính sửa đổi năm 2017.
7. Quyết định số 2395/QĐ-BKHCN ngày 31/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN.