Cần luật để bảo đảm an toàn thông tin trên mạng
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết VN cũng như các nước trên thế giới đang đứng trước các mối đe dọa từ các tội phạm trên môi trường mạng: làm biến dạng trang tin, lừa đảo trên mạng, tấn công từ chối dịch vụ, phát tán mã độc hại và vi-rút máy tính, thư rác, đánh cắp thông tin, phá hoại dữ liệu, làm gián đoạn, phá rối hoạt động thay đổi cấu hình của các hệ thống thông tin, phần mềm gián điệp, tấn công hệ thống ngân hàng và mạng lưới bán hàng trực tuyến, tin nhắn lừa đảo...
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Các mối đe dọa đối với VN đến từ các nhóm hoạt động với động cơ chính trị hoạt động trên mạng.Ảnh: Minh Thăng
"Các mối đe dọa đối với VN đến từ các nhóm hoạt động với động cơ chính trị hoạt động trên mạng. Việc tấn công vào các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử và dịch vụ trực tuyến ởVN được dàn dựng bởi các nhóm tội phạm đang ngày càng phổ biến hơn, nhằm làm gián đoạn, gây thiệt hại về uy tín chính trị và kinh tế của đất nước. Các nhóm tội phạm khác nhau như:khủng bố, tình báo nước ngoài và quân đội của một số nước đang hoạt động hiện nay nhằm xâm hại lợi ích của VN trên mạng", ông Nguyễn Bắc Son cho biết.
VN cần một văn bản ở tầm luật để điều chỉnh toàn diện hoạt động an toàn thông tin trên mạng,bảo đảm một môi trường mạng an toàn phục vụ công nghiệp hóa,hiện đại hóa đất nước, đồng thời để triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và nội luật hóa các điều ước quốc tế mà VN là thành viên.
Dự luật do Bộ TT&TT soạn thảo có những nội dung chính như bảo đảm an toàn thông tin trên mạng, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, mật mã dân sự, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin, kinh doanh an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin, quản lý nhà nước về an toàn thông tin... Lần đầu tiên trình ra UB Thường vụ QH hôm nay (6/4), dự luật khiến nhiều thành viên băn khoăn về phạm vi quá rộng và chưa rõ tính khả thi. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý ban soạn thảo lưu ý quyền tiếp cận thông tin đã được nêu trong Hiến pháp. "An toàn thông tin ở đây là cho người dân, hay cho xã hội? Một người nói một người nghe cũng là thông tin, một người nói nhiều người nghe cũng là thông tin. Báo chí, mạng xã hội, blog cá nhân đều là thông tin?. Thông tin phải an toàn, hay là thông tin phải được truyền đi một cách an toàn?", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ. Hầu hết ý kiến trong UB Thường vụ QH đề nghị nên thu hẹp phạm vi dự thảo luật, chỉ tập trung vào an toàn thông tin trên mạng. Cơ quan thẩm tra - UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH - cũng muốn phải làm rõ thêm một số vấn đề. "Cụ thể hóa hơn nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc ngăn chặn thông tin trên mạng, làm rõ chế tài xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghĩa vụ. Hiện các dịch vụ như Viber, Skype... rất phát triển, nguy cơ mất an toàn thông tin qua các dịch vụ này là rất cao, thế mà dự thảo luật chưa quy định rõ", Chủ nhiệm UB Phan Xuân Dũng nói. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng cần hoàn thiện thêm mới đủ điều kiện trình dự luật QH tại kỳ họp tới.
Nguồn VietNamNet.