Dưới mái đình Dương Lôi

15/12/2014 10:32 View Count: 16
Những ngày đông lạnh cuối năm Giáp Ngọ này, chúng tôi đã có chuyến hành hương về thăm quê Thánh Mẫu Phạm Thị Ngà - mẫu thân Vua Lý Thái Tổ ở Dương Lôi (Tân Hồng, Từ Sơn) là một vùng quê có kho tàng văn hoá văn nghệ dân gian phong phú với cụm di tích đình, đền, chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Làng Dương Lôi xưa là vùng đất Đông Ngàn (thuộc châu Cổ Pháp xưa) gắn liền với sự ra đời và tuổi thơ của Lý Công Uẩn. Tương truyền, trong một đêm mưa gió, ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974) Lý Công Uẩn ra đời tại xóm Đường Sau. 27 năm sau, cậu bé được sinh ra tại quán nhỏ xóm Đường Sau làng Diên Uẩn ấy chính là vua Lý Thái Tổ - vị vua sáng nghiệp cho 216 năm cường thịnh trong lịch sử nước nhà, khai sáng nền văn minh Đại Việt và tạo dựng lên kinh thành Thăng Long.

Ở Dương Lôi hiện có cả một quần thể di tích không thể tách rời gồm nhiều công trình như đình Dương Lôi, chùa Cha Lư, đền thờ Lý triều Thánh Mẫu cùng rất nhiều địa điểm khác như chùa Minh Châu, bãi Miễu, bàn đẻ, ao tắm, chậu tắm, dao cắt rốn, các truyền thuyết, sinh hoạt lễ hội… liên quan đến triều Lý cần được quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị.

Tòa ngũ môn tam tầng (5 cửa 3 tầng) cổng đình Dương Lôi cao hơn 10m, có giá trị đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc vào loại quý hiếm ở xứ Bắc.

Vào làng, đi đến đâu cũng thấy người dân phấn khởi, râm ran trò chuyện về ngôi đình vừa mới hoàn thành trùng tu tôn tạo. Niềm xúc động và tự hào ánh lên trong mỗi ánh mắt, nụ cười người dân Đình Sấm bởi vừa mới đây thôi, trên nền đất cổ vẫn còn ngổn ngang công trình xây dựng, góc thì cỏ mọc, góc thì tập kết vật liệu, đồ thờ, cổ vật phải xếp tạm trong một góc nhà… Vậy mà nay mái đình mới hoàn thành khang trang trên nền đất cổ linh thiêng, huyền thoại nhờ sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết chung lòng chứa chan tình làng nghĩa xóm.

Tự hào giới thiệu về ngôi đình mới vừa hoàn thành, Quan đám Nguyễn Viết Mùi, 65 tuổi kể với chúng tôi bằng một giọng thành kính: “Đối với người dân kẻ Đình, ngôi đình giống như bàn thờ chung của làng. Sau gần 4 năm khởi công trùng tu, tôn tạo từ tháng 7 năm 2011 đến nay, không ngày nào chúng tôi không mong mỏi, chờ đợi ngôi đình mới được khánh thành để tiếp tục có chốn thờ tự, tri ân công đức của Thánh Mẫu và 8 vị vua triều Lý”.

Bác Phúc Toản, thành viên BQL di tích đình Dương Lôi cũng là thành viên trong Ban giám sát công trình tâm sự: Tòa Đại đình mới hoàn thành cơ bản được xây dựng trên mặt bằng kiến trúc của Tiền đường cổ. Hướng và vị trí của đình cũng vẫn giữ nguyên như hướng của ngôi đình xưa. Nhưng do xây dựng sau nên kích thước các gian rộng hơn so với gian Tiền đường cổ, song sự chênh lệch diện tích giữa các gian không lớn. Kinh phí xây dựng công trình được Nhà nước đầu tư hơn 25 tỷ đồng. Phần công đức của nhân dân địa phương cũng được gần 2 tỷ đồng nữa để bổ sung đồ thờ và chỉnh trang lại một số công trình phụ trợ khác.

Theo sắc phong còn lưu giữ ở đình cho biết, đình Dương Lôi vốn được lập lên từ thời Lý để tôn thờ bà Phạm Thị - thân mẫu vua Lý Công Uẩn - vị vua khởi nghiệp triều đại nhà Lý. Rồi sau đó mới thờ 8 vị vua triều Lý có công xây dựng đất nước và giữ gìn độc lập dân tộc trong suốt 216 năm. Ngôi đại đình tọa lạc trên khu đất cao ráo, thoáng đẹp, linh thiêng ở phía đông nam của làng.

Nhấp ngụm trà nóng dưới mái đình thơm mùi gỗ mới, lão thành cách mạng Nguyễn Quang Bốn, 87 tuổi chia sẻ niềm hạnh phúc đặc biệt vì là người được bà con trong thôn chọn để cất nóc cho ngôi đình mới. Vừa ngước lên ngắm mái đình cụ Bốn vừa rưng rưng xúc động: Từ tấm bé đến giờ, tôi có biết bao kỷ niệm gắn bó với mái đình làng. Nhớ nhất là trong thời kháng chiến chống Pháp, giặc đánh vào làng, đám trẻ trâu chúng tôi leo lên màn giếng của đình để trú ẩn. Bây giờ, tuổi gần đất xa trời lại được làng ưu ái chọn làm người cất nóc ngôi đình mới. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng bản thân mà còn là niềm hạnh phúc của cả dòng họ chúng tôi”.

Như mô tả của các bậc cao niên trong làng thì đình Dương Lôi xưa được làm theo kiểu chữ “Công”, kiến trúc đẹp, chạm khắc tinh tế và tài nghệ không kém gì đình Đình Bảng hay đình Phù Lưu và nhiều ngôi đình lớn khác trong vùng. Ngôi đình xưa gồm: Tòa ngũ môn, giải vũ, sân rồng, tòa đại đình, hậu cung, sân, giếng, tường vây, văn chỉ… Song rất đáng tiếc là một số công trình  bị phá hủy chỉ còn lại 3 gian hậu cung, 2 gian ống muỗng cùng tiền đường và tòa ngũ môn.

Năm 2012, trong khi tiến hành trùng tu, phục dựng lại tòa đại đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tiến hành khai quật khảo cổ học khẩn cấp di tích đình Dương Lôi. Kết quả khai quật làm xuất lộ dấu vết chân tảng, kiến trúc của tòa Tiền đường cổ gồm 5 gian, 2 dĩ (thuộc giai đoạn sớm) và đến giai đoạn muộn tại khu vực này đã có hai công trình khác được xây dựng lên là nhà kho và nhà văn hóa. Đối chiếu kết quả khai quật khảo cổ học với các tài liệu thư tịch cổ khác cho thấy, niên đại của đình Dương Lôi thuộc thế kỷ 17 và được trùng tu vào thế kỷ 19, có mặt bằng hình chữ “Công” gồm: Tiền đường, ống muỗng và hậu cung. Tiền đường gồm 5 gian, 2 chái. Ống muỗng có 2 gian nối giữa Tiền đường với Hậu cung tạo thành hình chữ Công. Hậu cung 3 gian được xây theo kiểu thu hồi bít đốc mái lệch về phía trước, hậu cung có sàn gỗ cao 2,3m, phía trên có 8 ngai thờ 8 vị vua triều Lý cùng nhiều đồ thờ tự khác.

Tòa đại đình vừa hoàn thành trùng tu tôn tạo cũng có kết cấu kiến trúc tương tự như đình cổ, gồm 5 gian 2 dĩ tiền đường nối với hậu cung bằng ống muỗng 2 gian, phần hậu cung có 2 tầng ghép sàn ván lim, cửa bức bàn, chấn song con tiện. Đúng theo nguyên tắc trùng tu, tôn tạo, công trình mới vẫn giữ lại những bộ phận còn có thể sử dụng được của đình cũ như: Bộ cửa 2 cánh gỗ lim thông tiền đường với ống muỗng rộng bằng một gian, có chạm một vòng lửa bao trùm cả ô cửa, xung quanh chạm nổi hình rồng mây uốn lượn cùng nhiều họa tiết hoa văn khắc chìm khác. Ngoài ra, một số phần có- đường nét chạm trổ tinh xảo, điêu luyện cũng được đơn vị thi công trùng tu giữ lại. Rất nhiều cổ vật quý hiện vẫn được gìn giữ cẩn trọng trong đình như: 8 ngai vua, 8 bài vị, 9 đạo sắc phong, chuông đồng, bia đá…

Ông Nguyễn Trọng Liên, Bí thư chi bộ khu phố Dương Lôi cho biết: Mặc dù trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích còn gặp một số khó khăn nhưng bằng sự đoàn kết, chung sức chung lòng của nhân dân và được sự quan tâm, giúp đỡ  của các cấp, các ngành, cuối cùng ngôi đình - “mái nhà chung” của người dân Dương Lôi được hoàn thành trong niềm phấn khởi, hạnh phúc của toàn thể bà con Dương Lôi. Chúng tôi hết sức xúc động và bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hết sức tạo điều kiện để quê hương Dương Lôi có một ngôi đình làng uy nghi, kì vĩ như hôm nay. Nhân dân Dương Lôi nguyện noi gương tiếp bước các vị tiền nhân tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị di tích để ngôi đình mãi là nơi giáo dục truyền thống của các thế hệ.

 Nguồn BaoBacNinh.

bn-current-user-online-portlet

Online : 3247
Total visited : 150752879