Hoàn thiện công nghệ, dây chuyền thiết bị để nâng cao chất lượng dầu ăn và sản xuất shortening, margarine từ mỡ cá tra

01/08/2024 08:04 View Count: 6

Cá tra, là sản phẩm chủ lực quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao đạt trên 1,6 tỷ USD, được nuôi phổ biến ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, sản lượng đạt 1,42 triệu tấn/ năm (Vasep, 2019). Hàng năm ngành công nghiệp chế biến cá tra tạo ra khoảng 900-1.000 ngàn tấn phụ phẩm, trong đó mỡ cá chiếm 60-70% khối lượng của phụ phẩm.

Đây được xem là nguồn nguyên liệu tiềm năng, ổn định và bền vững để phát triển ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm dầu ăn, shortening, margarine từ mỡ cá tra. Đối với mỡ cá tra, chứa 90 - 98% triglyceride, là ester của các acid béo và glycerin. Ngoài ra còn có các vitamin tan trong dầu như A, E, D… Mỡ cá còn có lipit và lipoit, trong lipit của cá chủ yếu là axit béo không no có hoạt tính sinh học cao chiếm từ 50% đến 70% trong tổng số lipid bao gồm: linoleic, axit lioneic, axit arachidonic... Vai trò sinh học của các axit béo không no rất quan trọng đối với gan, não, tim… Tỷ lệ acid béo không no và no cân đối, tương ứng với dầu cọ, hơn hẳn so với dầu dừa và một số loại dầu thực vật khác. Việc khai thác và sử dụng đúng mục đích như làm thực phẩm cho người và là nguyên liệu ngành dược thì mỡ cá sẽ có đóng góp tích cực trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người Việt nói riêng và người tiêu dùng thế giới nói chung.

Trong nước, công nghệ sản xuất dầu ăn, shortening, margarine từ mỡ cá tra còn rất hạn chế về chất lượng và quy mô thực hiện. Trước năm 2017, trên thị trường Việt Nam chưa có nhiều các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ mỡ cá. Để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm thực phẩm từ mỡ cá cần có sự đầu tư trang thiết bị và đổi mới hoặc hoàn thiện công nghệ theo hướng tiên tiến và hiệu quả hơn. Xuất phát từ yêu cầu trên, CN. Nguyễn Thị Kim Hồng cùng các cộng sự tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (An Giang) đã thực hiện đề tài: Hoàn thiện công nghệ, dây chuyền thiết bị để nâng cao chất lượng dầu ăn và sản xuất shortening, margarine từ mỡ cá tra” nhằm hoàn thiện được quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị chế biến mỡ cá tra để nâng cao chất lượng sản phẩm dầu ăn và xây dựng được quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất shorterning, margarine từ mỡ cá tra.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được một số kết quả như sau:

- Dự án đã hoàn thiện một số công đoạn trong quy trình công nghệ sản xuất dầu ăn chất lượng cao từ mỡ cá tra.

- Dự án đã cải tiến được hệ thống thiết bị sản xuất dầu ăn chất lượng cao từ mỡ cá, quy mô 50 tấn/mẻ phù hợp với công nghệ mới.

- Dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất dầu ăn và sản xuất thử nghiệm quy mô 50 tấn/ mẻ.

- Dự án đã xây dựng quy trình công nghệ sản xuất shortening chất lượng cao từ mỡ cá tra.

- Dự án đã nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ sản xuất margarine chất lượng cao từ mỡ cá tra.

- Dự án đã thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành được dây chuyền thiết bị sản xuất shortening, margarine chất lượng cao từ mỡ cá tra, quy mô 25 tấn sản phẩm/ngày.

Dự án đã triển khai và áp dụng các công nghệ vào quy mô sản xuất của doanh nghiệp. Khi có tác động công nghệ, hiệu quả trong sản xuất tăng rõ rệt thể hiện ở doanh thu và thị trường phân phối sản phẩm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có tăng trưởng rõ ràng. Hiệu quả kinh tế dự án mang lại không nhỏ, nếu hoạt động hết công suất tổng doanh thu một năm công ty có thể thu về trên 1.000 tỷ đồng. Không những đem lại doanh thu cho công ty mà còn góp phần tạo nguồn công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động cũng như giải quyết được khâu đầu ra cho nguồn nguyên liệu khi mùa vụ.

Nhóm thực hiện dự án kiến nghị, mô hình công nghệ và thiết bị sản xuất một số các sản phẩm (dầu cá, shortening, margarine) từ mỡ cá nhằm tăng quy mô và công suất sản xuất xử lý phụ phẩm cá tra ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, tạo ra các sản phẩm thực phẩm GTGT từ cá tra cần được nhân rộng. các cơ quan quản lý cần hỗ trợ để xây dựng các chương trình giới thiệu và quản bá sản phẩm dầu cá, shortening, margarine từ cá tra rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, nhằm đem đến cho người tiêu dùng trong nước các sản phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn, giá thành hợp lý. Và cần mở rộng đầu tư để khai thác triệt để giá trị của phụ phẩm cá tra phục vụ sản xuất thực phẩm và dược phẩm như các sản phẩm nguồn gốc từ máu cá, xương, da cá nhằm khép kín chuỗi sản xuất và cung ứng các sản phẩm từ cá tra Việt Nam.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số /2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

Source: NASATI

bn-current-user-online-portlet

Online : 4000
Total visited : 150755768