Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang
Tại Việt Nam, công nghệ in 3D được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề như công nghiệp sản xuất chế tạo, ngành công nghiệp ô tô, ngành y khoa.... Trong lĩnh vực thiết kế thời trang mới chỉ thực hiện in phụ kiện thời trang như trong bộ phim “Phượng khấu” ứng dụng công nghệ in 3D vào việc sản xuất những chiếc mão đội đầu. Đây là dự án đầu tiên ứng dụng công nghệ in 3D tiên tiến của thế giới vào ngành thời trang Việt Nam. Tuy nhiên trong thiết kế 3 trang phục thì chưa có doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ in 3D để in trang phục.
Các doanh nghiệp may thời trang mới chỉ dừng lại ở việc thiết kế mẫu từ 2D sang 3D hay ngược lại từ 3D về 2D. Chính vì vậy, năm 2020, nhóm nghiên cứu của ThS. Nguyễn Thị Thanh Huệ tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang”.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: Xây dựng quy trình chuyển từ mẫu thiết kế ý tưởng lên mẫu 3D; Xây dựng quy trình chuyển từ mẫu 3D sang thiết kế 2D; Ứng dụng công nghệ in 3D để hoàn thiện 1 sản phẩm; và đề xuất phương án chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp may thời trang
Qua tổng quan và nghiên cứu các công trình có liên quan đến thiết kế 3D, công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang; đánh giá thực trạng việc ứng dụng phần mềm thiết kế 3D, 2D và công nghệ in 3D ở một số doanh nghiệp may thời trang, đề tài đã đạt được mục tiêu nghiên cứu đặt ra. Với việc ứng dụng công nghệ in 3D để tạo ra sản phẩm may thời trang giúp giảm thiểu những lãng phí trong thiết kế, chế thử và đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu số hóa theo định hướng của Chính phủ cho ngành Dệt May Việt Nam. Quy trình chuyển mẫu xây dựng được chuyên gia đánh giá cao, phù hợp với thực tiễn của các doanh nghiệp đồng thời có khả năng kết nối khi doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới. Phương án chuyển giao công nghệ khả thi trong bối cảnh hiện nay của các doanh nghiệp may thời trang.
Tuy nhiên, do công nghệ và vật liệu in 3D tại Việt Nam còn nhiều hạn chế nên đề tài chưa thể lựa chọn vật liệu đa dạng, phù hợp với thiết kế đồng thời chưa lựa chọn được nhiều công nghệ in 3D để đối sánh và tìm ra phương án tối ưu nhất trong thiết kế thời trang. Vì vậy, trong ngắn hạn, kết quả của đề tài có giá trị trong nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ phần thiết kế. Nhưng trong tương lai gần, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, công nghệ in 3D sẽ được ứng dụng rộng rãi trong ngành dệt may thời trang và đáp ứng được nhu cầu thời trang của người tiêu dùng.