Người đàn ông mắc bệnh thần kinh vận động nói trở lại nhờ có hệ thống giao diện não - máy tính mới
Các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra hệ thống giao diện não - máy tính mới cho phép người đàn ông mắc bệnh thần kinh vận động (MND) nói trở lại.
Công nghệ này chuyển đổi các tín hiệu não thành giọng nói với độ chính xác lên đến 97%, mức cao chưa từng có so với các hệ thống cùng loại. Cụ thể là khi ai đó cố gắng nói, hệ thống giao diện não - máy tính sẽ chuyển đổi hoạt động não của họ thành văn bản trên màn hình để máy tính có thể đọc to.
Người đàn ông 45 tuổi mắc bệnh ALS tên là Casey Harrell, đã tham gia thử nghiệm lâm sàng. Ông bị suy giảm khả năng nói nghiêm trọng do bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), một dạng bệnh MND. Bệnh MND gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh kiểm soát chuyển động khắp cơ thể, dẫn đến làm mất dần khả năng đi đứng và sử dụng tay. Ngoài ra, người bệnh cũng không kiểm soát được các cơ dùng để nói, dẫn đến mất khả năng nói dễ hiểu.
Ông Harrell bị yếu tay và chân, giọng nói khó nghe và cần người phiên dịch hộ. Ông được cấy thiết bị mới vào não. Hệ thống đã giải mã lời nói phát ra trong thời gian thực. Các từ đã giải mã được hiển thị trên màn hình và đọc to bằng giọng nói giống như giọng của ông Harrell trước khi mắc bệnh ALS. Giọng nói được mô phỏng bằng phần mềm được đào tạo từ các mẫu âm thanh hiện có trong giọng nói của người đàn ông trước khi mắc ALS.
Trong buổi đào tạo dữ liệu lời nói đầu tiên, hệ thống mất 30 phút để đạt được độ chính xác 99,6% với vốn từ vựng là 50 từ. Sau đó, quy mô vốn từ vựng đã tăng lên 125.000 từ. Chỉ với 1,4 giờ đào tạo dữ liệu bổ sung, giao diện não - máy tính đã đạt được độ chính xác 90,2% với vốn từ vựng mở rộng đáng kể và sau khi tiếp tục thu thập dữ liệu, tỷ lệ này đã tăng lên 97,5%. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Y học New England.