Nông dân thời hiện đại
Gần đây, có một người tiên phong đổi mới cơ cấu cây trồng bước đầu có hiệu quả. Đó là ông Lê Doãn Đồng, một cán bộ công an nghỉ hưu. Ông sinh năm 1948, thoát li từ khi 19 tuổi đến lúc nghỉ hưu, nay tuổi ngót 70. Ông từng được bầu làm bí thư chi bộ thôn Đại Mão khóa 18 (2008 - 2010). Thời kì này nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây đã thoái trào, đồng bãi lại quay về với cây màu truyền thống hai vụ ngô một vụ đỗ tương xen canh. Bí thư Lê Doãn Đồng có nhiều trăn trở về việc đổi mới cơ cấu cây trồng phù hợp đồng bãi cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đầu năm 2012 ông Lê Doãn Đồng mạnh dạn nhận thầu gần 6 mẫu ở khu Đồng Mía để trồng cây công nghiệp quy mô lớn. Khu Đồng Mía này đất pha cát nặng, thời hợp tác giao cho Hội người cao tuổi trồng mía, sau đó làm diện tích đất dự phòng và giao cho một số hộ nhận thầu. Năm đầu ông trồng 3 mẫu cây chuối tây và chuối tiêu hồng, 2 mẫu trồng cây giềng thử nghiệm và gần một mẫu trồng cây rau màu các loại với phương châm lấy ngắn nuôi dài và tìm ra cơ cấu cây trồng phù hợp. Cây giềng phù hợp với đất pha cát nặng nên ông dự tính sẽ nhân rộng nếu năm đầu có hiệu quả. Đến đầu năm 2013 gia đình ông Đồng được thu giềng, qua hạch toán chi phí đầu vào (làm đất, giống, phân, công chăm bón và thu hoạch) hết gần 2 triệu đồng/sào, cho thu khoảng 9 triệu đồng/sào, lãi 7 triệu đồng/sào. Hơn nữa cây giềng không bị sâu bệnh và chuột phá hoại lại chỉ mất công làm đất năm đầu và đầu tư giống năm đầu còn có thể luân vụ được vài năm. Từ năm sau thời vụ rút xuống chỉ còn 8 tháng (2 năm thu 3 vụ) nên dự kiến cho thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào/năm. Trong khi đó cây chuối thời vụ kéo dài gần năm rưỡi, lại chịu ảnh hưởng thời tiết và đầu ra tiêu thụ khó khăn nên ông Đồng đã thu hẹp diện tích chuối để mở rộng trồng cây giềng lên tới hơn 5 mẫu. Mới đây ông lại nhận thầu thêm của thôn 2,3 mẫu nữa cũng để trồng giềng. Để chủ động nước tưới ông tự khoan giếng chống hạn lấy. Vì thế đang giữa mùa cây khô lá vàng mà diện tích trồng giềng của gia đình ông Lê Doãn Đồng vẫn xanh đen óng ả.
Với tư tưởng phá thế độc canh cây ngô đổi mới cơ cấu cây trồng đem lại thu nhập cao cho vùng đất bãi, đầu năm 2014 ông Đồng vận động 99 hộ dân để nhận thầu 3,5 ha đất khu Đồng Sến với giá 600.000 đồng/sào/năm. Giá thầu sẽ lũy tiến theo hiệu quả đổi mới cây trồng. Ban đầu ông Đồng trồng 3 mẫu rau măng tây, loại rau giá cao tới 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên cây rau măng tây không phù hợp chất đất bãi nên ông chuyển qua trồng 8 mẫu cà rốt kết hợp 2 mẫu rau cải dưa. Để chủ động tưới tiêu ông Đồng đầu tư hai trăm triệu đồng cải tạo mặt bằng, lắp đặt đường ống nước hệ thống bơm tưới dạng phun mưa toàn bộ khu đồng, có đường ô tô vận tải đến tận ruộng. Việc làm đất bằng máy, gieo trồng chăm sóc đúng kĩ thuật bảo đảm củ cà rốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Do sản xuất hiện đại nên không cần nhiều nhân lực. Hiện nay cánh đồng rau của ông Đồng đang độ trưởng thành hứa hẹn thu hoạch cao. Ông Lê Đình Thanh, Chủ tịch huyện Thuận Thành đánh giá cánh đồng rau Đồng Sến của ông Lê Doãn Đồng là một mô hình sản xuất mới rất cần khuyến khích nhằm nâng cao giá trị cây trồng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Sau vụ cà rốt ông Đồng dự kiến trồng dưa đỏ xuân hè và những cây rau chất lượng cao khác. Tuy nhiên, vùng đất bãi rất khó chủ động nước tưới, ông Đồng đã từng khoan giếng nhưng không đủ nước dùng. Nguồn nước tưới hoàn toàn phụ thuộc trạm bơm cục bộ của xã. Nếu việc cung cấp nước này không bảo đảm thì cánh đồng rau chất lượng cao của ông Đồng sẽ khó đạt năng suất và chất lượng mong muốn. Đây là trăn trở lớn của ông nông dân thời hiện đại nơi vùng đất bãi Hoài Thượng.
Nguồn BaoBacNinh.