Rượu nhập khẩu phải dán tem trên bao bì sản phẩm theo quy định trước khi lưu hành
Thời điểm cận tết Nguyên đán tình trạng nhập lậu rượu ngoại nhập diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành gây ra nhiều mối lo ngại về sức khỏe.
Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu bia cao nhất. Lợi dụng điều đó, kẻ xấu đã trà trộn rượu giả, rượu kém chất lượng đưa ra thị trường,. Trước tình trạng này, lực lượng chức năng đã tăng cường quản lý, kiểm tra và liên tiếp phát hiện những vụ rượu giả, rượu kém chất lượng.
Cụ thể, qua thực hiện biện pháp nghiệp vụ Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Đội 3 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường - Công an tỉnh Bình Dương tiến hành khám 3 chiếc xe ô tô tải cùng nhãn hiệu Hino, màu trắng, biển kiểm soát lần lượt là: 68H 011.03, 70H 014.19 và 71H 019.70 đang dừng đỗ tại bãi đất trống, địa chỉ: Thửa đất số 137, thửa đất số 138 tờ bản đồ số 3, khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Qua kết quả khám, lực lượng chức năng đã phát hiện tổng số lượng 15.818 chai rượu ngoại nhập các loại không có dán tem rượu nhập khẩu đối với sản phẩm rượu nhập khẩu theo quy định.
Bình Dương phát hiện lượng lớn rượu ngoại loại không có dán tem rượu nhập khẩu đối với sản phẩm rượu nhập khẩu theo quy định. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Bình Dương
Tương tự, trước đó gần 2.000 chai rượu dán nhãn mác nước ngoài đã bị cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên phát hiện và tạm giữ khi đang được vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của số hàng hóa này. Điều đáng nói là rượu có nhãn mác nước ngoài nhưng không dán tem nhập khẩu.
Còn tại tỉnh Quảng Bình, cơ quan chức năng cũng vừa phát hiện hơn 900 chai rượu các loại ghi sản xuất ở các nước Anh, Mỹ, Chile... Toàn bộ số rượu này tuy dán tem rượu nhập khẩu nhưng tem bị nhòe, chữ in trên tem không sắc nét, tem dán vào sản phẩm không chắc chắn, dễ dàng bong tróc. Một số chai rượu có số sêri của tem trùng nhau...
Chỉ trong vòng 1 tuần, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị cũng liên tục bắt nhiều vụ vận chuyển, buôn bán rượu ngoại nhập lậu trị giá nhiều tỉ đồng. Cụ thể, qua xác định, lực lượng chức năng đã khám xét một phương tiện và thu giữ hơn 1.500 chai rượu ngoại có tổng giá trị hơn 2 tỉ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, 2 tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số rượu trên.
Liên quan tới tình trạng nhập lậu rượu không dán tem theo quy định, ngày 23/3/2020, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu.
Theo quy định tại Thông tư số 15/2020/TT-BTC thì rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải dán ten trên bao bì sản phẩm, trừ các trường hợp sau không phải dán tem trên bao bì sản phẩm gồm: Rượu sản xuất thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại rượu; Rượu bán thành phẩm nhập khẩu (rượu bán thành phẩm là rượu chưa hoàn thiện dùng làm nguyên liệu để sản xuất rượu thành phẩm); Rượu nhập khẩu quy định tại Điều 31 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu.
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 15/2020/TT-BTC, rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải được đóng thành chai (bao gồm cả hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng), gọi chung là chai đều phải dán tem. Cụ thể, mỗi chai được dán một con tem. Trường hợp chai rượu có sử dụng màng bóng kính bọc bên ngoài thì tem phải được dán vào chai trước khi được đóng màng bóng kính phủ bên ngoài.
Tem rượu phải được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại. Trường hợp nhập khẩu thùng, téc lớn về chiết ra chai hoặc sản xuất rượu thành phẩm thì thùng, té không phải dán tem. Mẫu tem rượu do Bộ Tài chính thống nhất quy định được trình bày tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 4 Nghị định 105/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 1 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP quy định, kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định tại Nghị định này.