Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Siết chặt bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Với những nội dung mới về kiểu dáng từng phần và cho phép trì hoãn công bố đơn, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ, hạn chế tình trạng xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp - thường dễ bị sao chép do liên quan đến vẻ bề ngoài của sản phẩm.
Kiểu dáng dễ bị bắt chước
Năm 2010, thị trường xe máy Việt Nam xôn xao trước sự xuất hiện những chiếc xe tay ga có kiểu dáng giống hệt xe Vespa LX của hãng Piaggio (Ý) nhưng lại được gắn nhãn Diamond Blue 125, do Công ty Lisohaka ở Việt Nam nhập khẩu và lắp ráp, bán với giá rẻ hơn nhiều so với Vespa. Ngay lập tức, một cuộc tranh luận đã nổ ra. Piaggio cho rằng Diamond Blue 125 đã bắt chước kiểu dáng của Vespa LX. Trái lại, đại diện của Lisohaka cho rằng họ không xâm phạm quyền đối với kiểu dáng xe của Piaggio, thậm chí họ còn chủ động xin ý kiến giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI, Bộ KH&CN). Dù hầu hết mọi người đều nhận ra mức độ tương đồng cao đến bất thường giữa hai loại xe, nhưng theo kết quả giám định, chưa thể kết luận có hành vi xâm phạm quyền do Piaggio Việt Nam chưa đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho xe Vespa LX tại Việt Nam.
Những trường hợp như Piaggio cho thấy tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp - đối tượng có vẻ mờ nhạt khi đặt cạnh những người anh em đình đám khác như sáng chế hay nhãn hiệu. Thực tế, hình dáng bên ngoài ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của sản phẩm. Chẳng hạn như xe Vespa, dù không được nhiều người đánh giá cao về mặt động cơ hay kỹ thuật nhưng vẫn bán rất chạy và luôn nằm trong top những chiếc xe tay ga được yêu thích nhất nhờ thiết kế thời trang, không bao giờ lỗi mốt. Từ điện thoại cho đến bàn ghế, kiểu dáng công nghiệp là một trong những yếu tố chính thu hút khách hàng.
Cũng giống như hầu hết các thành viên trong gia đình sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp chỉ được pháp luật bảo vệ khi tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Việc quên bảo hộ kiểu dáng sản phẩm đồng nghĩa với việc tự bỏ đi một công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ tài sản trí tuệ”, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự nhận xét. Tương tự với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ nếu đáp ứng được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Cụ thể, kiểu dáng đó phải khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong hoặc ngoài nước trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên. Kiểu dáng đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng, và kiểu dáng đó có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm.
Các doanh nghiệp luôn được khuyến cáo phải đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp càng sớm càng tốt, tránh bị bên khác “nẫng tay trên”, hoặc bị từ chối vì không đáp ứng đủ điều kiện về tính mới hoặc tính sáng tạo. Điều này đặc biệt quan trọng khi doanh nghiệp bước sang một thị trường mới, vì bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mang tính chất lãnh thổ, nghĩa là kiểu dáng chỉ được bảo hộ ở các quốc gia và khu vực đã được nộp đơn đăng ký. Trước thực tế này, không ít người thắc mắc tại sao một tập đoàn lớn có lịch sử lâu đời như Piaggio lại có thể quên được việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng xe máy khi tiến vào Việt Nam - một trong những thị trường tiêu thụ xe máy nhiều nhất thế giới.
Mở rộng phạm vi bảo hộ
Rất nhiều ý kiến cho rằng do Piaggio sơ suất, song cũng có thể đây là tính toán riêng, chẳng hạn họ thấy lợi ích từ việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp vẫn chưa đủ thu hút. Nhược điểm lớn nhất của bảo hộ kiểu dáng là giới hạn về mặt thời gian, tùy theo quy định của mỗi quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, thời hạn bảo hộ kiểu dáng kéo dài 15 năm (bảo hộ trong vòng 5 năm kể từ ngày nộp đơn và được gia hạn tối đa hai lần). Tuy nhiên, kiểu dáng của sản phẩm thường tồn tại lâu hơn thế. Chẳng mấy doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ xong hơn chục năm sau, kiểu dáng đó lại thuộc về công chúng và mọi người được dùng miễn phí. Để kéo dài thời gian bảo hộ kiểu dáng, các doanh nghiệp đã vận dụng nhiều loại “vũ khí”. Chẳng hạn như Piaggio, dòng xe Vespa nổi tiếng từng bị rất nhiều đơn vị trên thế giới bắt chước, không chỉ ở Việt Nam. Nhưng họ vẫn bảo vệ được thiết kế này bằng cách đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu ba chiều (nhãn hiệu lập thể, là hình dạng thể hiện trong không gian ba chiều). Đây là một bước đi rất khéo léo vì nó vừa thể hiện được bề ngoài của sản phẩm, tương tự với kiểu dáng công nghiệp, song thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu có thể kéo dài mãi mãi nếu được gia hạn đúng hạn. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng có thể được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu ba chiều, vì nó phải đáp ứng tiêu chuẩn về tính phân biệt và tính phi chức năng.
Trong lần sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ gần đây nhất, câu chuyện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng hấp dẫn doanh nghiệp hơn. Một trong những nét đáng chú ý là bổ sung quy định về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp từng phần, mở rộng cơ hội bảo hộ kiểu dáng. Trước đây, kiểu dáng công nghiệp được định nghĩa là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố này. Chẳng hạn, nếu muốn bảo hộ kiểu dáng của một chiếc xe máy, doanh nghiệp sẽ phải đăng ký bảo hộ toàn bộ hình dáng bên ngoài của chiếc xe, chứ không được đăng ký bảo hộ riêng cho một phần nào đó, chẳng hạn như yên xe hay phần đầu xe, đèn pha… Tuy nhiên, trong lần sửa đổi gần đây nhất, Luật Sở hữu trí tuệ đã mở rộng phạm vi, không chỉ là hình dáng bên ngoài của sản phẩm mà có thể là bộ phận lắp ráp thành sản phẩm phức hợp.
Bước tiến này đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ các doanh nghiệp. Bởi lẽ không ít đơn vị từng bị đạo nhái kiểu dáng sản phẩm ở những phần thiết kế đặc trưng nhất. Thực chất, trước khi sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, Việt Nam đã có thông tư quy định về bảo hộ kiểu dáng của bộ phận dùng để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng yêu cầu bộ phận này phải có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập. Do vậy, việc bổ sung định nghĩa về kiểu dáng từng phần trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi không chỉ làm rõ hơn, đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, mà còn đáp ứng nội dung mà Việt Nam đã cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).
Đây cũng là xu hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang theo đuổi. Chẳng hạn như Trung Quốc, trong lần sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ gần đây nhất vào năm 2021, nước này cũng bổ sung quy định về bảo hộ kiểu dáng từng phần. “Trước đây bằng sáng chế kiểu dáng chỉ được bảo hộ cho sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, với hệ thống sản phẩm đang có xu hướng bão hòa, khả năng tự do thiết kế toàn bộ hình dáng bên ngoài của sản phẩm ngày càng hạn chế. Như vậy, việc bảo hộ kiểu dáng sẽ chuyển hướng sang một phần hình dạng, hoa văn hoặc sự kết hợp của chúng”, theo nhận xét của các luật sư trên trang web của Chambers and Partners, công ty nghiên cứu trong ngành luật ở Vương quốc Anh.
Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy, việc quy định bảo hộ kiểu dáng từng phần sẽ tạo động lực cho việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng. Đơn cử như Hàn Quốc, sau khi đưa ra quy định về kiểu dáng từng phần vào năm 2001, số lượng các đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng từng phần đã tăng khoảng ba lần sau hơn 10 năm, từ hơn 3000 đơn vào năm 2011 lên đến hơn 10 nghìn đơn vào năm 2020, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 11%. Những doanh nghiệp lớn trong và ngoài Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, đã đóng góp không nhỏ vào con số ấn tượng này.
Song song với bảo hộ kiểu dáng từng phần, để siết chặt bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ cũng bổ sung nội dung về trì hoãn đơn (người nộp đơn yêu cầu cơ quan xác lập quyền trì hoãn việc công bố kiểu dáng công nghiệp theo quy định trong một thời hạn cho phép). Cụ thể, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể được công bố vào thời điểm muộn hơn theo yêu cầu của người nộp đơn tại thời điểm nộp đơn nhưng không quá bảy tháng kể từ ngày nộp đơn. “Trên thực tế không phải tất cả người nộp đơn kiểu dáng công nghiệp đều mong muốn công bố ngay bởi điều này xuất phát từ đặc thù riêng có của kiểu dáng - một đối tượng liên quan đến vẻ bề ngoài của sản phẩm nên dễ dàng bắt chước và sao chép. Việc công bố sớm khiến cho kiểu dáng dễ bị sao chép trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chiến lược kinh doanh của người nộp đơn”, các chuyên gia nhận xét trong hội thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2021.“Do vậy, việc bổ sung thời hạn trì hoãn trong vòng bảy tháng vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo khả năng tiếp cận của công chúng về kiểu dáng đã nộp, không quá gây khó khăn cho các chủ thể sáng tạo trong việc tránh trùng lặp các ý tưởng sáng tạo dẫn đến việc xâm phạm quyền không mong muốn”.