Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong trường đại học
Việc thành lập các Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp tại trường đại học nhằm nuôi dưỡng văn hóa đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, tạo ra môi trường để ý tưởng của sinh viên, giảng viên có thể phát triển và trở thành các giải pháp cụ thể có giá trị thực tiễn.
Lễ ra mắt Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp USTH - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Ngày 1/3, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp USTH. Đây là một bước tiến quan trọng của nhà trường trong việc thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ngay tại trường, triển khai các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo các chiến lược quốc gia như Đề án 844 về "Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025", Đề án 1655 về "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".
Theo GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính của USTH, trong bối cảnh thế giới đang có những sự thay đổi nhanh chóng, sự quan trọng của đổi mới sáng tạo và văn hóa khởi nghiệp cần phải được đề cao. Đây là một nguồn lực để thúc đẩy xã hội phát triển, khiến các nền kinh tế thay da đổi thịt và cho phép các cá nhân tự tạo ra số phận của chính mình.
GS. Jean-Marc Lavest hy vọng, với lợi thế về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực KHCN của trường, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp sẽ có thể trở thành một chất xúc tác cho việc phát triển các công nghệ, các sản phẩm khoa học mới, giúp rút ngắn khoảng cách giữa học thuật và lĩnh vực doanh nghiệp. Sự hợp tác giữa hai mảng này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu mà còn giúp trường tiến gần hơn đến các ứng dụng triển khai trong thực tế.
Không chỉ dành cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp USTH còn là nơi thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, các trường đại học khác, thu hút nhân tài…
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hướng đến trở thành một hệ sinh thái năng động trong khu vực. Đảng và Nhà nước đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 với động lực chủ yếu dựa vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung vào 3 nội dung chiến lược là hệ thống thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các trường đại học, cao đẳng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam; trong đó, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, thương mại hóa những kết quả nghiên cứu của các viện, trường. Từ đó, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, giảng viên, kết nối nhu cầu giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Hiện nay, các trường đại học đi đầu trong đổi mới thông qua việc thực hiện các sứ mệnh cụ thể. Đó là: Cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng thích hợp thông qua giảng dạy; thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao kiến thức, công nghệ mới, cung cấp kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo... Đổi mới sáng tạo cũng đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới.
Các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại trường đại học là vườn ươm phát triển kỹ năng, năng lực và các dự án khởi nghiệp của sinh viên, giúp các em có cơ hội được thực hiện các ước mơ, được thử, trải nghiệm và nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp cho chặng đường lớn sắp tới…
Tuy nhiên, cần có sự liên kết, hợp tác giữa các Trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm của các trường đại học trong và ngoài nước cùng với các tổ chức, các doanh nghiệp, start-up để xây dựng hệ sinh thái nuôi dưỡng ươm mầm cho các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên.