Xây dựng mô hình sản xuất giống lúa màu đặc sản được chọn tạo
So với các giống lúa gạo trắng thông thường, các giống lúa màu truyền thống có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giàu chất vi khoáng và vitamin hơn, nhưng không phù hợp với hệ canh tác lúa cải tiến hiện nay do chu kỳ sinh trưởng dài, năng suất thấp, cao cây nên dễ bị đổ ngã và khó cơ giới hóa.
Do đó, việc cải tiến giống lúa màu trong khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để phù hợp với kỹ thuật canh tác hiện đại và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng là rất cần thiết. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã tiến hành chọn tạo giống lúa màu đặc sản và xây dựng mô hình sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Các dòng giống lúa màu mới như SR20, SR21 và SR22 đã được nhiều doanh nghiệp và người trồng lúa biết đến. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ nguồn vật liệu và qui trình canh tác để các đối tác trồng thử nghiệm. Giống lúa SR20 đã thể hiện ưu thế tốt hơn về chất lượng cũng như giá trị canh tác nên một số các cá nhân/ đơn vị kinh doanh gạo đã sản xuất và cho ra được dòng gạo dinh dưỡng bao gồm SR20 hoặc Mắt Rồng. Đối với giống SR21 và SR22 cũng được một số cá nhân/ tổ chức quan tâm và đầu tư để phát triển dòng gạo dinh dưỡng mới là “gạo tím SR21” và “gạo đen SR22”. Dù giá trị canh tác giống SR21 và SR22 chưa thực sự chiếm ưu thế như SR20, nhưng đây là các giống lúa có chất lượng và tính khác biệt và khác với các loại gạo màu trên thị trường tiêu dùng hiện nay.
Kết quả mô hình thí điểm sản xuất giống lúa mới mang lại qua ba vụ Hè Thu 2021 và Đông Xuân 2021-2022, vụ Thu Đông 2022 của các xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh và xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho thấy năng suất lúa có thể đạt tương đương tập quán canh tác truyền thồng của nông dân, ngoài ra có thể thay thế 50% đến 100% hóa chất bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh. Tại các xã Tân Phú Trung và Phước Chỉ có các hộ nông dân tham gia, qua quá trình tham gia cho thấy mô hình canh tác đều theo hướng hữu cơ hợp lý và cố định ngay từ đầu vụ sản xuất, mô hình canh tác có thể đem lại thu nhập tốt hơn đối chứng thông qua chi phí cơ hội, đến vụ Đông Xuân, năng suất ruộng mà mô hình mang lại cũng tăng cao với giá thu mua cố định trong khi giá thị trường giảm mạnh so với vụ Hè Thu nên lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận cao hơn vụ Đông Xuân rõ rệt, lãi ròng và lãi gộp của mô hình vượt rõ. So với kỹ thuật canh tác phổ thông, canh tác theo hướng hữu cơ trên giống lúa màu cho thấy: cây lúa tỷ lệ đẻ nhánh cao, ruộng lúa ít bị sâu bệnh, khi không có sự thay đổi về giá của thị trường phân bón thì phí đầu tư không chênh lệch quá nhiều.
Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra các giống lúa màu mới, mang lại hiệu suất cao trong canh tác nông nghiệp và tạo tiền đề cho việc phát triển nguồn lúa màu mới, tăng năng suất cho người dân khi canh tác. Ngoài ra, khi triển khai những mô hình trên, năng suất, chất lượng và lợi nhuận đều được nâng cao so với sản xuất truyền thống. Đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển được ngành nông nghiệp hướng tới, tạo bước tiến mới cho ngành nông nghiệp tại vùng Đông Nam Bộ nói riêng và trên cả nước nói chung.