Xây dựng mô hình sản xuất Mắc ca bền vững theo chuỗi giá trị phục vụ xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lâm Đồng

27/07/2024 07:30 View Count: 3

Cây Mắc ca có nguồn gốc là cây hoang dại ở vùng rừng mưa nhiệt đới ven biển Đông Nam bang Queensland và miền Bắc bang New South Wales nước Úc, trong phạm vi 25O - 31O vĩ độ nam của Australia.


Ở Việt Nam, Cây Mắc ca bắt đầu được trồng tại Tây Bắc từ năm 2002. Sau hơn 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm trên hàng loạt các vùng địa lý và khí hậu của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã xác định được hai vùng có thể trồng được Mắc ca, đó là Tây Bắc và Tây Nguyên. Đây là hai vùng khí hậu đặc biệt thuận lợi cho cây Mắc ca sinh trưởng và cho năng suất cao. Hai vùng khí hậu này có thời tiết lạnh về mùa xuân (14 - 17°C) điều kiện cần để cây ra hoa và không có mưa phùn là điều kiện để hoa thụ phấn và kết quả.

Trong thời gian qua, Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành thực hiện các nghiên cứu cơ bản về cây Mắc ca như nhập giống, khảo nghiệm tính thích ứng của các giống thương mại, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống, kỹ thuật bảo quản sau thu hái, sơ chế và chế biến…

Xuất phát từ thực tiễn trên, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh cùng nhóm nghiên cứu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất Mắc ca bền vững theo chuỗi giá trị phục vụ xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lâm Đồng” với mục tiêu ứng dụng các tiến bộ về giống và kỹ thuật vào sản xuất mô hình phát triển kinh tế giá trị cao theo chuỗi giá trị từ khâu chọn giống, trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ Mắc ca; góp phần tạo thu nhập cho nông dân phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Dự án triển khai đúng tiến độ, đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung đã được phê duyệt trong thuyết minh dự án. Kết quả sản phẩm của dự án đã được người dân tham gia xây dựng mô hình tiếp nhận và được Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng chấp thuận. Kinh phí của dự án đã được sử dụng đúng mục đích, đạt được các mục tiêu đặt ra và đúng quy chế hiện hành.

Các giống Mắc ca bao gồm OC, QN1, 246, 816 đã lựa chọn và kỹ thuật áp dụng xây dựng mô hình phù hợp với khí hậu, điều kiện của nơi trồng, cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%, không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây Cà phê.

Vườn cây Cà phê khoảng từ 25 năm trở xuống không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây Mắc ca trồng xen và vị trí trồng xen cây Mắc ca nên được trồng ở điểm ngã tư giữa các cây Cà phê, đối với những vườn Cà phê có đường kính tán lớn hơn 3m cần tỉa bớt cành đảm bảo không gian thông thoáng xung quanh cây Mắc ca tối thiểu 2m2.

Các kỹ thuật áp dụng xây dựng mô hình cải tạo vườn Mắc ca sẵn có phù hợp với đối tượng, điều kiện của nơi trồng, cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất trung bình đạt 2,6 tấn/ha. Trong các yếu tố làm tăng sản lượng vườn cây, yếu tố về tình hình sinh trưởng vườn cây trước khi cải tạo ảnh hưởng lớn đến sản lượng và tạo ra sự khác nhau về sản lượng giữa các hộ. Do đó, việc xác định đúng hiện trạng vườn cây trước khi cải tạo để áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp đóng vai trò quyết định đến sản lượng cây trồng. Mặt khác, trong các kỹ thuật thâm canh, ngoài việc đầu tư phân bón thì kỹ thuật tỉa cành, tạo tán ảnh hưởng lớn đến sản lượng cây trồng.

Mô hình liên kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm Mắc ca tại 2 huyện Lâm Hà và huyện Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng với sự tham gia của 4 nhà bao gồm 18 hộ dân + Doanh nghiệp (Công ty TNHH Hoàng Anh Maca) + Nhà khoa học (Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới) + Chính quyền địa phương nơi xây dựng mô hình đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ trong quá trình thực hiện liên kết, mô hình đã thực hiện với khối lượng thu mua đạt 51,6 tấn và mang lại hiệu quả kinh tế tăng lên 32,1% so với mô hình thông thường đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương theo Quyết định số 2103/QĐ-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 – 2020.

Mô hình sơ chế, chế biến Mắc ca bao gồm i) 01 dây chuyền sát vỏ Mắc ca ; ii) 45 01 thiết bị sấy (nhiệt lạnh); iii) 01 thiết bị rang khô hạt Mắc ca; iv) 01 hệ thống thiết bị tách nứt; v) 01 dây chuyền đóng gói túi chân không; vi) 01 kho bảo quản sản phẩm khô là mô hình sản xuất hiện đại, có công suất lớn, đa dạng hóa được sản phẩm, kiểm soát được chất lượng. Mô hình đi vào hoạt động đã thu mua và sơ chế, chế biến tối thiểu được 51,6 tấn hạt Mắc ca tại 2 huyện của tỉnh Lâm Đồng, hiệu quả kinh tế mang lại cho Doanh nghiệp là 838.900.000 đồng.

Mô hình đã đánh giá được tỷ lệ hao hụt sản phẩm trong mỗi công đoạn sơ chế, chế biến để làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng sản phẩm. Theo đó, mô hình cũng chỉ ra rằng tùy vào mục đích tiêu thụ sản phẩm mà chúng ta điều chỉnh nhiệt độ rang phù hợp, rang ở nhiệt độ 135 độ C trong 40 phút cho các sản phẩm ăn liền, ăn trực tiếp; rang ở nhiệt độ 161 độ C trong 15 phút cho các sản phẩm tẩm gia vị, ép dầu và không nên rang ở nhiệt độ 176 độ C trở lên.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19996/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Source: NASATI

bn-current-user-online-portlet

Online : 3481
Total visited : 150766659