Giải pháp truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Hiện nay, vấn đề nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ chống giả, truy xuất nguồn gốc đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt. Các giải pháp này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã Vạch Quốc gia - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, vấn đề phát triển các giải pháp công nghệ chống giả, truy xuất nguồn gốc xuất phát từ nhiều yếu tố.
Thứ nhất là tăng trưởng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến: Việc mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến khiến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm trở nên khó khăn hơn; Môi trường mua sắm trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái.
Thứ hai là nhu cầu về minh bạch và tin cậy của người tiêu dùng: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất của sản phẩm; Nhu cầu về sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe ngày càng tăng cao.
Thứ ba là cạnh tranh khốc liệt trên thị trường: Các doanh nghiệp cần bảo vệ thương hiệu của mình khỏi hàng giả, hàng nhái để duy trì uy tín và lợi nhuận; Việc xây dựng lòng tin của khách hàng thông qua các giải pháp truy xuất nguồn gốc là yếu tố cạnh tranh quan trọng.
Thứ tư là quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ: Nhiều quốc gia đã ban hành các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là trong các ngành hàng như thực phẩm, dược phẩm; Việc sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái bị xử lý nghiêm khắc hơn.
Giải pháp truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Một số giải pháp truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ có thể kể đến hiện nay như: Blockchain - Đảm bảo tính minh bạch, không thể thay đổi của dữ liệu; Mã QR - Dễ dàng truy cập thông tin sản phẩm qua điện thoại di động; IoT (Internet of Things) - Kết nối các thiết bị trong chuỗi cung ứng để thu thập dữ liệu; AI (Trí tuệ nhân tạo) - Phân tích dữ liệu lớn để phát hiện hàng giả, hàng nhái.
Cũng theo ông Bùi Bá Chính, với sự đa dạng của các giải pháp truy xuất nguồn gốc hiện nay, việc thiếu một nền tảng thống nhất đang gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát và xác thực nguồn gốc sản phẩm trên thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch và khó khăn trong việc tích hợp dữ liệu.
Với những bất cập trong thực trạng triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc, đồng thời để bắt kịp xu hướng phát triển và triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới, ngày 19/01/2019 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” với mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; Nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là việc xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia. Cổng truy xuất nguồn gốc Quốc gia là một nền tảng số tập trung, cho phép người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý truy cập, kiểm tra thông tin chi tiết về nguồn gốc, quá trình sản xuất, phân phối của một sản phẩm cụ thể. Nền tảng này đóng vai trò như một cầu nối giữa các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, đảm bảo tính minh bạch và tin cậy của thông tin sản phẩm.