Hoàn thiện công nghệ vi nhân giống quy mô công nghiệp và sản xuất các giống Keo lá tràm Clt18, Clt57 và Clt98
Keo lá tràm được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1960, đến nay, đã trở thành một trong ba loài keo vùng thấp có diện tích trồng rừng lớn nhất (khoảng 100.000 ha). Gỗ Keo lá tràm có tỷ trọng tương đối cao (0,5 - 0,7 g/cm3), thớ mịn, vân và màu sắc đẹp, là một trong những loài cây đang được ưa chuộng trên thị trường đồ mộc ở nước ta và trên thế giới.
Hơn nữa, Keo lá tràm là loài cây có khả năng chịu hạn và chống chịu gió bão cao rất phù hợp cho trồng rừng ở các tỉnh ven biển duyên hải miền Trung, đặc biệt so với Keo tai tượng, Keo lá tràm được đánh giá là loài keo có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn (Cẩm nang ngành Lâm nghiệp, 2006). Vì vậy, Keo lá tràm là một trong những loài cây trồng rừng chủ lực phù hợp với mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Chương trình cải thiện giống Keo lá tràm của Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã được bắt đầu từ năm 1990 đến nay, với nhiều nghiên cứu từ khảo nghiệm xuất xứ, xây dựng các vườn giống và chọn lọc dòng vô tính sinh trưởng nhanh, hình dạng thân đẹp, tính chất gỗ tốt và chọn giống kháng bệnh (Lê Đình Khả và cộng sự, 2003; Hà Huy Thịnh và cộng sự 2006, 2011; Nguyễn Hoàng Nghĩa và cộng sự, 2005, 2010).
Trong đó, Keo lá tràm Clt18, Clt57 và Clt98 là những giống đã được tuyển chọn có năng suất trung bình đạt 20 - 35 m3 /ha/năm, tỷ trọng gỗ cao, độ co rút thấp, thân thẳng, ít cành nhánh nên rất thích hợp cho trồng rừng cung cấp nhu cầu gỗ xẻ. Mặc dù vậy khả năng cung cấp của các giống này từ cây nuôi cấy mô còn hạn chế, chủ yếu vẫn là từ cây hom (hiện tượng bảo lưu cục bộ cao, tại các mô hình rừng trồng, thân cây thường chẻ ngọn thành 2 - 3 nhánh, hệ rễ kém phát triển, khả năng chống chịu gió bão kém, cây ra hoa sớm nhưng tốc độ phát triển tương đối chậm).
Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Cấn Thị Lan cùng nhóm nghiên cứu tại Viện NC Giống và CNSH Lâm nghiệp thực hiện nghiên cứu “Hoàn thiện công nghệ vi nhân giống quy mô công nghiệp và sản xuất các giống Keo lá tràm Clt18, Clt57 và Clt98” với mục tiêu: Hoàn thiện được quy trình vi nhân giống quy mô công nghiệp cho các giống Keo lá tràm Clt18, Clt57 và Clt98; Chuyển giao giống gốc và quy trình vi nhân giống các giống Keo lá tràm cho một số đơn vị.
Kết quả thực hiện dự án cho thấy việc thay đổi sang sử dụng hóa chất có xuất xứ từ Trung Quốc không làm giảm hiệu quả nhân giống. Đồng thời, dự án đã tối ưu hóa phương pháp, kỹ thuật nhân giống in vitro cho 3 giống Keo lá tràm Clt18, Clt57 và Clt98 từ đó xây dựng, hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi cấy mô cho 3 giống nêu trên ở quy mô công nghiệp. Quy trình này đã được Bộ NN&PTNT công nhận là TBKT theo Quyết định số 756/QĐ-BNN-KHCN ngày 22 tháng 2 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc công nhận tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học thuộc Chương trình công nghệ sinh học Nông nghiệp - Thủy sản. Kết quả cho thấy:
- Sử dụng Javen 5% trong khoảng thời gian 10 - 15 phút thay thế cho thủy ngân clorua đã hạn chế sự độc hại đối với con người và môi trường (đạt 77,8 - 84,4% mẫu sống, với 42,2 - 57,8% mẫu nhiễm, tỷ lệ mẫu bật chồi hữu hiệu là 34,2 - 38,6%).
- Cải tiến môi trường nhân nhanh chồi bằng cách bổ sung thêm 30 mg/l Adenin Sulfate ở trong 4 chu kỳ nhân đầu tiên giúp tăng hệ số nhân chồi từ 2,5 lần lên đến 3,3 lần.
- Cải tiến môi trường nâng cao chất lượng chồi bằng cách bổ sung 1,5 g/l than hoạt tính để tăng tỷ lệ chồi hữu hiệu từ 69,4% lên đến 90%, và chất lượng chồi tốt hơn, chồi cứng cáp hơn, rất thích hợp với giai đoạn ra rễ.
- Cải tiến môi trường ra rễ để tăng tỷ lệ ra rễ từ 85% lên đến 97,2%, số rễ/cây từ 2,2 lên đến 3,8; rễ đẹp, mập và cứng cáp, màu trắng; giảm thời gian xuất hiện rễ từ 8 - 10 ngày xuống còn 7 ngày và thời gian bộ rễ phát triển hoàn chỉnh giảm từ 20 ngày xuống còn 15 ngày, giảm thời gian huấn luyện cây con từ 6 - 10 ngày xuống còn 6 ngày.
- Sử dụng phương pháp ra rễ chồi non bằng chấm chất điều hòa sinh trưởng dạng bột để rút ngắn thời gian sản xuất giống (không cần ra rễ in vitro), giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu
Dự án đã chuyển giao giống gốc, xây dựng được 03 vườn cây đầu dòng (1.000 m2/vườn), đào tạo và tập huấn quy trình kỹ thuật vi nhân giống 3 giống Keo lá tràm Clt18, Clt57 và Clt98 ở quy mô công nghiệp cho 3 đơn vị sản xuất: Công ty TNHH Lâm Nghiệp Quy Nhơn (tỉnh Bình Định); Công ty CP giống Lâm Nghiệp Vùng Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh); Công ty TNHH giống cây trồng Nông Lâm nghiệp Nam Việt (tỉnh Quảng Bình). Trên cơ sở tiếp nhận giống gốc và ứng dụng Quy trình vi nhân giống quy mô công nghiệp cho 3 giống Keo lá tràm Clt18, Clt57 và Clt98 từ Viện, Công ty TNHH Lâm Nghiệp Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Công ty CP giống Lâm Nghiệp Vùng Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH giống cây trồng Nông Lâm nghiệp Nam Việt (tỉnh Quảng Bình) đã làm chủ và nâng cao được năng lực sản xuất cả về số lượng lẫn quy mô công nghệ. Mô hình ứng dụng từ nghiên cứu đến sản xuất đã tạo công ăn việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên của đơn vị.
Mô hình nhân giống của dự án đã sản xuất được 3,113 triệu cây trong đó có 54.000 cây giống xây dựng mô hình khảo nghiệm và mô hình rừng trồng, 9.000 cây giống xây dựng 03 vườn cây đầu dòng. Các đơn vị phối hợp, mỗi đơn vị sản xuất được 950.000 đến 1.100.000 cây giống/năm.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20300/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.