Huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo

25/03/2024 07:00 View Count: 100

Cần hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách về đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo, huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực này.

 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thì doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Việc chuyển đổi sang nền kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa đưa đến những cách tiếp cận mới dựa trên đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ. Việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Cũng như các nước trên thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội cho Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách về năng suất, chất lượng với các quốc gia khác. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đây cũng là thách thức khi nền sản xuất của Việt Nam hiện vẫn dựa vào gia công, thâm dụng lao động với mô hình kinh doanh cũ. Vì vậy, để cạnh tranh được trong xu thế mới này, các doanh nghiệp Việt phải nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến 2020. Chương trình được triển khai đã góp phần đạt mục tiêu đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP lên 35% vào năm 2020. Bộ khung quy trình hoạch định và thực thi chính sách đã được định hình. Các cơ quan liên quan cũng tích lũy được kinh nghiệm đáng kể trong cải thiện năng suất cùng với lượng lớn nhân lực được đào tạo và chuyển giao công nghệ.

 Ảnh minh hoạ

Tiếp theo thành công của Chương trình trên, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Quyết định đã đặt mục tiêu “hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đón đầu công nghệ, ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Quyết định đã cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp về: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Phát triển hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất; Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về năng suất; Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế.

Có thể thấy, để thích ứng và tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước trong nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần triển khai các nhóm giải pháp đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm toàn bộ các giai đoạn từ khâu thiết kế sản phẩm, cung ứng nguyên, phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu và marketting đến đổi mới phương thức, mô hình quản trị, đổi mới cách tiếp cận đến các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng gắn với đổi mới sáng tạo, cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, các cấp trung ương và địa phương trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Đồng thời, cần hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách về đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo, huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực này.

Source: Vietq.vn

bn-current-user-online-portlet

Online : 4367
Total visited : 151065625