Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba: Chấm dứt một chính sách lỗi thời

19/12/2014 11:01 View Count: 21
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi việc bắt đầu một chương mới trong quan hệ Mỹ với Cuba khi ông tuyên bố các bước đi để bình thường hóa quan hệ ngoại giao và kinh tế với quốc gia Nam Mỹ này.

Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Obama gặp nhau tại đám tang cựu Tổng thống Nam Phi
Nelson Mandela.

Bước đi ý nghĩa

Phát biểu tại Washington, ông Obama nói, cách tiếp cận hiện nay của Mỹ với Cuba đã lỗi thời, và việc bình thường hóa là “ý nghĩa nhất” trong chính sách của Mỹ với Cuba trong nửa thế kỷ qua.

Ông cho biết, Mỹ đang xem xét mở đại sứ quán ở Havana trong những tháng tới. Ngoài ra, Mỹ sẽ xem xét tước bỏ việc gọi Cuba là “quốc gia bảo trợ khủng bố” mà Mỹ gán cho Cuba lâu nay. Mỹ cũng sẽ nới lỏng lệnh cấm đi lại của công dân Mỹ tới Cuba, nới lỏng các hạn chế tài chính, tăng cường kết nối viễn thông và sẽ có các nỗ lực bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại 53 năm qua với Cuba.

Trước đó, Cuba đã trả tự do cho nhà thầu Mỹ Alan Gross để đổi lấy 3 người Cuba bị giam giữ ở Mỹ. Alan Gross bị buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền khi tới Cuba lắp đặt dịch vụ Internet cho cộng đồng Do Thái tại đây từ 5 năm trước. Còn 3 con tin Cuba bị cáo buộc do thám các cơ sở quân sự của Mỹ. Việc trao đổi tù nhân này được tiến hành dựa trên cơ sở nhân đạo.

Chủ tịch Cuba Raul Castro nói ông hoan nghênh sự thay đổi chính sách của Mỹ, đây là điều mà Cuba đã ra sức thúc đẩy trong một thời gian dài. “Từ khi tôi được bầu lên, tôi đã nhiều lần nói tới sự sẵn sàng của chúng tôi về tiến hành đối thoại tôn trọng với chính phủ Mỹ dựa trên sự công bằng chủ quyền”, ông nói.

Ông thúc giục Washington bỏ lệnh cấm vận thương mại và kinh tế áp đặt với Cuba – việc phụ thuộc vào hành động của Quốc hội.

Sức ép nội tại

Để dẫn tới bình thường hóa, hơn một năm qua là các cuộc đàm phán bí mật ở Canada và Vatican, liên quan trực tiếp đến Giáo hoàng Francis.

Quan hệ Mỹ - Cuba tê liệt từ đầu những năm 1960, khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp đặt lệnh cấm vận thương mại sau Cách mạng Cuba. Trong 54 năm cấm vận, kinh tế Cuba thiệt hại 1,1 nghìn tỉ USD, nhưng kinh tế Mỹ cũng thiệt hại 1,2 tỉ USD mỗi năm.

Theo các nhà phân tích, việc Cuba trả tự do cho con tin Alan Gross là bước đột phá ngoại giao cần thiết giữa hai nước, nhưng chính những thay đổi chính trị nội tại cả hai bên đã tạo điều kiện cho việc bình thường hóa.

Ở Mỹ, việc thay đổi nhân khẩu tại Miami – nơi cộng đồng Cuba lưu vong đông đảo nhất, đã giảm bớt ảnh hưởng chính trị của lực lượng chống Cuba: Những người Mỹ gốc Cuba trẻ và những người di cư gần đây cởi mở hơn trong việc làm ấm lại quan hệ hai nước.

Ở Cuba, những cải cách kinh tế do Chủ tịch Raul Castro đã bắt đầu nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước với nền kinh tế, tạo sự quan tâm mạnh mẽ với giới doanh nghiệp Mỹ.

Cuba đã làm trung gian hòa giải rất thành công để đạt được hòa bình giữa chính phủ Colombia với lực lượng phiến quân cách mạng Farc, khiến việc Mỹ gán cho Cuba quy chế “quốc gia bảo trợ khủng bố” càng trở nên lỗi thời và vô lý.

Các nước Mỹ Latin cũng mong muốn Cuba hội nhập mạnh mẽ vào các thể chế khu vực, và Cuba đã được mời tới dự Hội nghị thượng đỉnh Châu Mỹ vào tháng 4 tới. Tổng thống Obama theo dự kiến cũng tham dự hội nghị, và điều đó có lẽ thúc đẩy ông cân nhắc việc tạo ra một dấu ấn thế nào trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của ông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ra đón cựu con tin Alan Gross ở sân bay trở về Mỹ sau 5 năm bị giam cầm. Ông Kerry nói, ông hy vọng trở thành ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ thăm Cuba trong 60 năm qua.

Nguồn LaoDong.

bn-current-user-online-portlet

Online : 3588
Total visited : 150747537