Sửa đổi chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn
Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 7 chính sách của nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2006 (Luật số 68/2006/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, chủ trương, chỉ đạo mới đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế; đồng thời, thực tiễn thi hành luật thời gian qua cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với cam kết trong FTA thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Ảnh minh hoạ.
Trong Hồ sơ Dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đang được lấy ý kiến, Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 7 chính sách của nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật.
Cụ thể, bổ sung chính sách “Phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, chương trình, đề án trọng điểm quốc gia”. Hiện nay, tất cả quốc gia trên thế giới đều nhận thức tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là biện pháp kỹ thuật, công cụ đắc lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bổ sung chính sách “Ưu tiên sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, hội, doanh nghiệp để xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia” nhằm đưa các kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học đi vào thực tiễn thông qua tiêu chuẩn áp dụng trong thực tế. Tại các quốc gia phát triển, các công trình, đề tài nghiên cứu tại các tập đoàn kinh tế, trường đại học, viện nghiên cứu… cho sản phẩm đều được xem xét xây dựng thành tiêu chuẩn, để tạo lợi thế cạnh tranh cho chính sản phẩm của tập đoàn, doanh nghiệp trước đối thủ (sản phẩm công nghệ cao, dược phẩm,…).
Bên cạnh đó, sẽ bổ sung các chính sách nhà nước nhằm phổ cập, đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho tất cả đối tượng theo xu thế chung của các quốc gia trên thế giới khi các quốc gia (đặc biệt là quốc gia trong khu vực: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…) đã đưa chương trình đào tạo tiêu chuẩn hoá vào các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc gia.
Đồng thời, bổ sung chính sách “Tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật”.