Tiêu chuẩn - chuẩn mực và cơ sở cho việc đánh giá năng lực chuyên gia năng suất
Để quản lý chất lượng chuyên gia năng suất của Việt Nam một trong những điều không thể thiếu đó là đưa ra các tiêu chí đánh giá cho chuyên gia năng suất và đánh giá việc đáp ứng theo các tiêu chí đó. Tiêu chuẩn chính là chuẩn mực và cơ sở cho việc đánh giá năng lực chuyên gia năng suất tại Việt Nam.
Hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến động lực phát triển kinh tế là năng suất chất lượng ở nước ta còn hạn chế so với các nước trong khu vực đó là doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận với năng suất một cách bài bản. Hướng khắc phục là cần phát triển đội ngũ chuyên gia năng suất ở doanh nghiệp cũng như chuyên gia năng suất ở các tổ chức tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ năng suất.
Để quản lý chất lượng chuyên gia năng suất của Việt Nam một trong những điều không thể thiếu đó là đưa ra các tiêu chí đánh giá cho chuyên gia năng suất và đánh giá việc đáp ứng của chuyên gia năng suất theo các tiêu chí đó. Tiêu chuẩn chính là chuẩn mực và là cơ sở cho việc đánh giá năng lực chuyên gia năng suất tại Việt Nam.
Theo bà Màn Thuỳ Giang - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, nhấn mạnh tầm trọng của phát triển năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiếp nối, phát triển hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030, trong đó Mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho các hoạt động nâng cao năng suất chất lượng được thể hiện thông qua: Giai đoạn 2021-2025: Đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp;
Giai đoạn 2026-2030: Đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1000 chuyên gia năng suất chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Đồng thời, ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030, theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các Bộ ngành liên quan xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chuyên gia năng suất của Việt Nam; phát triển hệ thống chứng nhận, đào tạo chuyên gia năng suất của Việt Nam phù hợp hệ thống tiêu chuẩn của các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Chính vì vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam làm căn cứ để đánh giá năng lực chuyên gia năng suất của Việt Nam hứa hẹn góp phần xây dựng mạng lưới chuyên gia năng suất trong nước được đào tạo bài bản và được chứng nhận theo chuẩn mực quốc gia của Việt Nam, là nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới nhằm đáp ứng các yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Bà Màn Thuỳ Giang - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.
Cũng theo bà Giang, Viện Năng suất Việt Nam đã nghiên cứu và phối hợp Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, cụ thể là Ban kỹ thuật TCVN/TC 176 về Quản lý chất lượng và Đảm bảo chất lượng triển khai xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam và đến ngày 12/04/2023, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ra quyết định công bố TCVN 13751:2023 về Yêu cầu đối với chuyên gia năng suất.
Tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn APO-PS 101:2019 Requirements for Productivity Specialists của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), đưa ra các yêu cầu phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Liên quan đến việc xây dựng tiêu chuẩn, đào tạo chuyên gia, bà Giang cho hay, các chuyên gia có thể tham gia chương trình đào tạo do các tổ chức đào tạo có năng lực thực hiện, đặc biệt hiện nay APO có rất nhiều chương trình đào tạo trực tuyến về công cụ năng suất rất thuận lợi việc tham gia đối với chuyên gia.
Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13751:2023, chuyên gia năng suất sẽ được chứng nhận theo cấp chuyên gia là: Chuyên gia năng suất; Chuyên gia năng suất trưởng; Chuyên gia năng suất cao cấp. Và theo lĩnh vực hoạt động chuyên môn: Tư vấn; Đào tạo; Nghiên cứu; Thúc đẩy.
Các tiêu chí cho cấp chuyên gia và cho các lĩnh vực chuyên môn trong Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam được xây dựng cơ bản dựa trên các tiêu chí và tương đương với tiêu chuẩn chuyên gia năng suất của APO, vì vậy chuyên gia năng suất đáp ứng yêu cầu cảu TCVN thì cũng đáp ứng tiêu chí của APO và có thể được chứng nhận theo tiêu chuẩn của APO.
Việc hài hòa yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế như vậy cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc thừa nhận lẫn nhau kết quả chứng nhận chuyên gia năng suất giữa các quốc gia.
Hiện nay, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đang vận hành Chương trình chứng nhận (scheme chứng nhận) chuyên gia. Theo đó, chuyên gia có thể đăng ký để được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam TCVN 13751:2023 và có thể đăng ký để được chứng nhận theo tiêu chuẩn chuyên gia năng suất của APO cho các cấp chuyên gia năng suất, chuyên gia năng suất cao cấp (Senior) và theo chương trình chứng nhận này, kết quả chứng nhận được thừa nhận trong APO.
Bà Giang thông tin thêm, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chuyên gia năng suất APO-PS 101:2019 nhằm thực hiện kế hoạch hỗ trợ các quốc gia xây dựng mạng lưới chuyên gia năng suất trong khu vực.
Theo đó, APO tiến hành đánh giá, chứng nhận chuyên gia năng suất theo tiêu chuẩn APO-PS 101:2019 ở 4 lĩnh vực: cung cấp các dịch vụ quảng bá, đào tạo, nghiên cứu và tư vấn thực hiện giải pháp năng suất phù hợp cho các tổ chức khách hàng.
Có 3 loại hình chứng nhận đang được áp dụng: Chuyên gia năng suất được chứng nhận của APO; Chuyên gia năng suất cao cấp được chứng nhận của APO; Chuyên gia năng suất hàng đầu được chứng nhận APO.
Các yêu cầu về năng lực của chuyên gia được xác định qua nhóm tiêu chí: Nhóm thứ nhất, năng lực chuyên gia. Trong đó, yêu cầu tiên quyết về năng lực: Trình độ học vấn, đào tạo chuyên môn năng suất, kinh nghiệm làm việc, xác nhận từ khách hàng; Các chuyên môn về cải tiến năng suất: Đánh giá thực trạng năng suất; giải pháp cải tiến năng suất cơ bản; giải pháp cải tiến năng suất chuyên sâu; Các kỹ năng thực hiện: Tư vấn, đào tạo, nghiên cứu, quảng bá; Các kỹ năng cá nhân: Quan hệ khách hàng, quản lý các bên liên quan, giao tiếp, quản lý nhóm.
Nhóm thứ hai, quy tắc ứng xử nghề nghiệp: gồm 15 tiêu chí quy định quy tắc ứng xử với khách hàng, cộng đồng và thể hiện tính chuyên nghiệp trong cải tiến năng suất. Hiện nay, tiêu chuẩn APO-PS 101:2019 đã được phổ biến tới tất cả quốc gia thuộc tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và Việt Nam là quốc gia thành viên đã được chỉ định triển khai chương trình chứng nhận cho chuyên gia năng suất và chuyên gia năng suất cấp cap (senior) của APO.
Tại Việt Nam hiện đã có 25 chuyên gia được chứng nhận chuyên gia năng suất theo tiêu chuẩn của APO.