Thay đổi phương thức sản xuất để thích ứng biến đổi khí hậu
Diễn biến của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ngày càng phức tạp, nắng nóng kéo dài, nhiều vùng ruộng không đủ nước cho sản xuất cây lúa. Ở nhiều địa phương, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân chuyển đổi đất trồng lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại sen, bắp, đậu xanh, bí…
Thôn Thái Đông ở xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, có 12ha đất trồng lúa bị bỏ hoang nhiều năm qua. Để không bỏ phí tài nguyên, hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Nam đã cải tạo đất để trồng lúa bằng phương thức sản xuất thông minh.
Khi áp dụng sản xuất thông minh để trồng lúa thì đã làm giảm được lượng nước tưới, giảm được lượng lúa giống. Thông thường người dân sạ 5 - 6kg/sào thì mô hình chỉ sạ 3,5kg/sào. Năng suất lúa thu được cao hơn cách làm truyền thống: 70 tạ/ha so với 50 - 60 tạ/ha. Sản xuất thông minh đòi hỏi phải ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là sạ hàng giúp dễ chăm bón hơn. Bằng cách thức này, khi đi bón phân, thuốc thì ruộng lúa có những lối đi, tránh giẫm đạp lên cây. Hàng thưa nên bộ rễ của cây có không gian để phát triển, tăng độ bám vào đất, chống bị ngã khi gió lớn. Sạ hàng thưa cũng giúp cho lá lúa tăng độ quang hợp, hạn chế được sâu bệnh.
Giám đốc Hợp tác xã Bình Nam-Ông Trần Văn Ninh cho biết: Sản xuất lúa thông thường hay bị ảnh hưởng bởi sâu cuốn lá, sâu keo, bệnh đạo ôn. Sản xuất lúa thông minh khắc phục được hạn chế trên, chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật cũng ít đi. Chúng tôi hướng dẫn nông dân sử dụng các loại phân vi sinh, phân hữu cơ để bón đúng thời điểm, ruộng lúa hấp thu vừa đủ nên tiết kiệm.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nông nghiệp Quảng Nam đang chịu nhiều tác động cực đoan từ biến đổi khí hậu. Dễ thấy nhất là nhiệt độ tăng cao dẫn đến sâu bọ, dịch bệnh phát triển, thoái hóa đất... nên ngành nông nghiệp vận động để thích ứng. Sở đã phối hợp với Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7) triển khai nhiều hợp phần sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH.
Ngoài canh tác nông nghiệp tích hợp công nghệ thông minh còn có các mô hình liên quan đến quản lý nước và tưới tiêu thông minh được áp dụng vào hệ thống sản xuất cây trồng. Thời gian tới, Quảng Nam sẽ áp dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh; phát triển hệ thống nông lâm kết hợp; áp dụng trồng xen canh trong sản xuất để điều hòa nhiệt, giữ ẩm cho đất. Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm đang được nhân rộng trên địa bàn các tỉnh. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số sẽ tiếp tục được các hợp tác xã ứng dụng để đem lại hiệu quả thiết thực.