Thúc đẩy nhanh tiêu chuẩn điện, điện tử góp phần phát triển kinh tế – xã hội
Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ trong lĩnh vực điện tử quốc tế, phát triển các công nghệ, dịch vụ môi trường, năng lượng tái tạo,… Hiện nay, Việt Nam tham gia nhiều hơn vào hoạt động tiêu chuẩn quốc tế, với mong muốn trở thành quốc gia hàng đầu có thể tác động đến quá trình tiêu chuẩn hóa quốc tế trong tương lai.
Được thành lập vào năm 1906, Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế IEC là tổ chức hàng đầu thế giới chịu trách nhiệm xây dựng và công bố tiêu chuẩn quốc tế cho tất cả công nghệ điện, điện tử và các công nghệ liên quan, được gọi chung là “kỹ thuật điện”. IEC phục vụ thị trường và xã hội thế giới thông qua công tác tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp, cung cấp nền tảng cho các công ty, ngành công nghiệp và chính phủ có thể gặp gỡ, thảo luận và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế mà họ cần, thúc đẩy thương mại, tăng trưởng kinh tế thế giới, khuyến khích phát triển các sản phẩm, hệ thống, dịch vụ an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Theo ông Philipp Metzger, Tổng Thư ký IEC, chúng ta đang ở trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số ở mọi nơi, điều tương tự cũng xảy ra với IEC và các thành viên IEC. Bên cạnh đó, IEC cũng cần hướng tới hỗ trợ tính bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế khác. Chính vì vậy, hiện tại, IEC đang tập trung nâng cao năng lực để tạo ra các tiêu chuẩn kỹ thuật số cho tương lai, cung cấp nền tảng cộng tác trực tuyến cho thành viên và chuyên gia để tạo ra các tiêu chuẩn có thể được giải thích bằng máy (Machine interpreted).
“Chúng tôi xây dựng các công cụ cần thiết để phát triển bền vững hơn trong tương lai. Vì vậy, công nghệ phải phục vụ các hình thức tiêu chuẩn bền vững mới. Chúng tôi cũng tập trung phát triển dịch vụ tiêu chuẩn và chứng nhận để tiếp cận từ góc độ bền vững, ví dụ như chứng nhận lượng khí thải carbon”, Tổng Thư ký IEC nhấn mạnh.
Ông Philipp Metzger, Tổng Thư ký IEC (bên trái).
Ông cũng cho biết thêm, khía cạnh hợp tác là rất quan trọng, hiện IEC đang hợp tác chặt chẽ với ISO, sử dụng tiêu chuẩn ISO cho các dịch vụ đánh giá sự phù hợp, có ủy ban kỹ thuật chung và hiện đang tập trung vào lĩnh vực AI với ủy ban kỹ thuật về AI Horizon Standards. Đồng thời, vừa thành lập một ủy ban chung để giải quyết vấn đề công nghệ lượng tử (quantum physics) trên diện rộng.
Kể từ khi gia nhập IEC vào năm 2002 với tư cách Thành viên liên kết, Việt Nam đã có sự phát triển kinh tế vượt bậc. GDP tăng gấp nhiều lần trong 22 năm, điều này tất nhiên cho thấy Việt Nam có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ. Hiện nay, các doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng tiếp cận nhiều hơn với tiêu chuẩn của IEC. Tiêu biểu như các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dây, cáp điện, thiết bị điện, điện tử, thiết bị điện phòng nổ, công nghệ thông tin… được Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn của IEC. Nhiều chuyên gia trẻ của Việt Nam đã tham gia và đóng góp hiệu quả vào hoạt động của IEC.
Tổng Thư ký nhận định: “Những gì chúng tôi quan sát được tại Việt Nam đều rất ấn tượng. Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ trong lĩnh vực điện tử quốc tế, phát triển các công nghệ, dịch vụ môi trường, năng lượng tái tạo,… Hiện nay, Việt Nam có nhu cầu tham gia nhiều hơn vào hoạt động tiêu chuẩn quốc tế, với mong muốn trở thành quốc gia hàng đầu có thể tác động đến quá trình tiêu chuẩn hóa quốc tế trong tương lai, chúng tôi rất ủng hộ nỗ lực này và hy vọng Việt Nam sẽ sớm trở thành thành viên chính thức của IEC”.
Đánh giá hoạt động và đóng góp của Việt Nam thời gian qua trong lĩnh vực tiêu chuẩn điện, điện tử, ông Dennis Chew, Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam thực sự đã thay đổi rất nhiều so với năm 2002 và thời điểm hiện tại. Năm 2002 là thời điểm Việt Nam quyết định trở thành thành viên liên kết của IEC. Từ đó đến nay, chúng ta có thể thấy bối cảnh công nghệ ở Việt Nam đã mở rộng đáng kể về khâu sản xuất, thiết kế,… Có rất nhiều thay đổi và phát triển trong các lĩnh vực về điện, năng lượng tái tạo, quang điện, năng lượng xanh. Vì vậy, Việt Nam có nhiều tiềm năng để tham gia nhiều hơn vào công tác kỹ thuật, giúp các công ty, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm trong nước và thâm nhập thị trường quốc tế.