Tiếp cận đa chiều trong tuyên truyền về sở hữu trí tuệ

05/03/2024 08:15 View Count: 77

Nền kinh tế tri thức với sự xuất hiện của các xu hướng công nghệ mới, quá trình chuyển đổi số nhanh chóng đang thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, đặt ra nhu cầu cao hơn về phát triển tài sản trí tuệ. Trong bối cảnh đó, công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ (SHTT) cần được quan tâm và triển khai theo hướng tiếp cận đa chiều nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này.

Là cơ quan chuyên môn quản lý, phát triển SHTT, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lập kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn, đa dạng về nội dung, phong phú và hiện đại về hình thức tuyên truyền. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 8 lớp tập huấn trang bị kiến thức về SHTT cho doanh nghiệp, HTX, các tổ chức, cá nhân kinh doanh với 771 lượt người tham dự; phối hợp với các tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm thuộc chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025” tổ chức 25 lớp tập huấn và 13 hội thảo cho 2.791 lượt người tham dự. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết của cộng đồng, doanh nghiệp về vai trò của SHTT trong việc xác lập quyền bảo hộ cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề đặc trưng mang đậm nét văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc, quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ trong bảo hộ quyền SHTT, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái…, bảo vệ người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng trên các sản phẩm, dịch vụ. Sở KH&CN phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đăng tải nhiều bài viết phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật, các kết quả và hoạt động chuyên môn về SHTT như ngày SHTT Thế giới 26-4, Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020 (Đề án 134); Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm thuộc chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2021-2025 (Đề án 239)... Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng chuyên mục “SHTT và cuộc sống” định kỳ 2 số/tháng. Xây dựng chuyên mục hỏi đáp về SHTT, các quy định của pháp luật trong cuốn Bản tin Thông tin KH&CN (xuất bản 6 số/năm, mỗi số 1.000 cuốn), để giải đáp những thắc mắc của người dân và doanh nghiệp, góp phần đưa các giải pháp, thông tin chỉ đạo và các văn bản pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Chuyên gia hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp Tiên Du về phát triển sở hữu trí tuệ.

Hoạt động đăng ký, xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đang có xu hướng tăng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 32 thương hiệu thuộc sở hữu chung của cộng đồng được bảo hộ với các hình thức: 15 nhãn hiệu tập thể, 16 nhãn hiệu chứng nhận, 1 chỉ dẫn địa lý. Đây là các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chủ lực và các sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh. Nhận thức về vai trò tác dụng và tầm quan trọng của hoạt động SHTT của người dân được nâng lên rõ rệt. Có mặt tại một lớp tập huấn SHTT tại huyện Tiên Du, chị Nguyễn Thi Luyên (xã Cảnh Hưng) chia sẻ: “Nhà tôi trồng 7 sào chuối là một đặc sản của vùng đất Cảnh Hưng. Nhờ được chuyên gia phổ biến, chúng tôi hiểu rõ hơn về việc phải xây dựng Nhãn hiệu tập thể để nâng cao uy tín, giá trị cho sản phẩm, vai trò và cách thức khai thác, quản lý tài sản trí tuệ, tổ chức sản xuất một cách an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường“. Tuy nhiên, qua đánh giá, hoạt động tuyên truyền SHTT vẫn còn một số hạn chế. Việc nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên chưa thực hiện do quá trình bổ sung nội dung này vào các chương trình giảng dạy ngoại khóa ở các trường học còn gặp nhiều khó khăn. Chưa có nhiều lớp, hình thức đào tạo, tập huấn về SHTT trên không gian mạng. Một bộ phận người dân và doanh nghiệp e ngại khi đầu tư chi phí và công sức trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp... Trong thời gian tới đây, để tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về SHTT, Sở KH&CN đổi mới hình thức, tiếp cận đa chiều trong tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, đơn vị sẽ phối hợp xây dựng video, đồ họa với hình ảnh, âm thanh, công cụ tương tác hiện đại, giới thiệu trên cổng thông tin điện tử, các mạng xã hội nhằm lan tỏa nhanh thông điệp, nội hàm về SHTT. Khảo sát cụ thể đối tượng, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp để đưa ra cách thức tập huấn phù hợp. Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về SHTT trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT đến các cơ quan quản lý các cấp, các ngành và trong toàn xã hội. Từng bước hình thành văn hóa SHTT trong cộng đồng, góp phần thực hiện thành công Chiến lược SHTT đến năm 2030 phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Source: Báo Bắc Ninh

bn-current-user-online-portlet

Online : 3111
Total visited : 151101863