Tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nông nghiệp và thách thức đối với nông sản xuất khẩu
Áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn trong lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm và thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra quốc tế. Đây là cơ hội, đồng thời là thách thức của các doanh nghiệp Việt.
Ảnh minh họa.
Tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, hàng hóa, sản phẩm được phân thành hai nhóm: nhóm 1 và nhóm 2. Nhóm 1 gồm các sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn, được tổ chức, cá nhân sản xuất tự công bố phù hợp tiêu chuẩn áp dụng.
Trong khi đó, nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong hơn 17 năm qua, ngành này đã ban hành 1358 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và 107 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), trong đó có 448 TCVN và 35 QCVN liên quan đến quản lý vật tư nông nghiệp. Các sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm 2 đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý, giúp bảo đảm công khai, minh bạch và không gây trở ngại không cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc rà soát và sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết. Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hủy bỏ 127 QCVN không còn phù hợp với thời gian và góp phần đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Hiện nay, theo Thông tư số 16/2021/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 9 nhóm sản phẩm, hàng hóa được xác định là nhóm 2 và được quản lý chất lượng sản phẩm trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tuy nhiên, việc gắn hàng hóa nhóm 2 với quy chuẩn kỹ thuật và công bố hợp quy cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính phù hợp và tiện lợi cho doanh nghiệp.
Để nông sản Việt vươn tới các thị trường khó tính
Ngoài đáp ứng những tiêu chuẩn, quy chuẩn để xuất khẩu nông sản đến các thị trường ở các phát triển như Mỹ và EU các doanh nghiệp nông sản trong nước cùng cần vượt qua những rào cản kỹ thuật liên quan tới môi trường từ các thị trường nhập khẩu này.
Một trong những thách thức lớn mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đối mặt là sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường quốc tế. Sự khắt khe và không thống nhất trong tiêu chuẩn kỹ thuật giữa các quốc gia cũng làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Theo đó, hàng rào kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế đối với nông sản xuất khẩu được Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc chia làm hai loại là quy định bắt buộc và các chứng nhận tự nguyện.
Trong đó, theo Pascal Liu và các cộng sự năm 2015 các tiêu chuẩn về chứng nhận tự nguyện bền vững với nông sản xuất khẩu được Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc chia ra một số loại như: Chứng nhận hệ thống quản lý về môi trường ISO 14001; Chứng nhận xã hội (chứng nhận về công bằng thương mại và chứng nhận hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - SA 8000); Chứng nhận hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ISO 22000; Chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP); Chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (GAP - EuroGap/Global Gap) và chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP); Chứng nhận chất lượng thực phẩm đặc trưng (chỉ dẫn địa lý GI);
Ngoài ra có một số chứng nhận khác là Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000); Chứng nhận về môi trường bao gồm chứng nhận về nông nghiệp hữu cơ
Việc thích nghi và đáp ứng kịp thời với những tiêu chuẩn, chứng nhận này đòi hỏi sự linh hoạt và năng động từ phía doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu nông sản, các chương trình nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu cần được thúc đẩy. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hỗ trợ để xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm đáp ứng các quy định của các nước nhập khẩu. Chính sách hỗ trợ cụ thể hơn từ Nhà nước cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự ổn định và bền vững cho ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của Việt Nam.