Áp dụng tiêu chuẩn khí thải nào cho xe máy dưới 50 phân khối?
Áp dụng tiêu chuẩn nào cho xe máy dưới 50 phân khối (dưới 50cc), dòng xe vốn chiếm 5-7% thị trường là vấn đề gây tranh luận. Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp.
Theo đó, việc xây dựng dự thảo này nhằm triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ năm 2025.
Tiêu chuẩn khí thải là một trong những công cụ chính sách quan trọng để góp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường. Khi được ban hành, quyết định này sẽ chuyển tiếp lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải tại các văn bản trước đây của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời bổ sung lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải tiếp theo, hướng tới thực hiện cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Trong dự thảo đưa ra lấy ý kiến, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 2 đối với xe gắn máy hai bánh (động cơ xe dưới 50cc, sau đây gọi là xe máy dưới 50cc) mà không nâng lên các mức 3 hoặc mức 4 như với các loại mô tô hai bánh (động cơ xe trên 50cc, sau đây gọi là xe máy trên 50cc) khác.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc nâng tiêu chuẩn khí thải cho xe máy dưới 50cc là không khả thi về kinh tế và kỹ thuật. Tại nhiều quốc gia, khi áp tiêu chuẩn khí thải mức 3 hoặc mức 4 đối với xe máy dưới 50cc thì các nhà sản xuất đã ngừng cung cấp dòng xe này, bởi chi phí cải tiến quá cao, làm giá thành sản phẩm đội lên và khiến người tiêu dùng chuyển sang xe máy trên 50cc.
Hơn nữa, các loại xe máy dưới 50cc hiện vẫn được nhiều đối tượng như học sinh, sinh viên, người cao tuổi và nội trợ ưa chuộng nhờ không cần bằng lái. Trong số 70 triệu xe máy đang lưu hành ở nước ta hiện nay, xe máy dưới 50cc chiếm 5-7%. Nếu dòng xe này biến mất khỏi thị trường, một bộ phận người dùng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm phương tiện thay thế phù hợp.
Việc nâng tiêu chuẩn khí thải cho xe máy dưới 50cc là không khả thi về kinh tế và kỹ thuật.
Quy định hiện hành về tiêu chuẩn mức khí thải đối với các loại xe hai bánh, mô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu áp dụng theo các quyết định gồm: Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.
Tại dự thảo quyết định mới, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chuyển tiếp việc áp dụng các lộ trình tiêu chuẩn khí thải thực hiện tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg; Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg; tiêu chuẩn khí thải cho xe chở hàng, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu có tham gia giao thông.
Theo nhận định của Cục phó Cục Đăng kiểm Nguyễn Tô An, đối với sản phẩm xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới thì việc áp dụng các quyết định trên theo lộ trình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong giảm phát thải, thông qua: Cải tiến công nghệ sử dụng cho động cơ, kết cấu hệ thống xử lý khí thải trên xe.
Do đó, chất lượng khí thải của xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu được nâng cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của xe điện đã, đang và sẽ góp phần mạnh mẽ làm giảm ô nhiễm không khí và bảo vệ môi trường. Để bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang giao thông bền vững, việc điều chỉnh chính sách về tiêu chuẩn khí thải của các phương tiện giao thông là bước đi cần thiết.