Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện truy xuất nguồn gốc
Trong bối cảnh thị trường đòi hỏi sự minh bạch và an toàn, truy xuất nguồn gốc trở thành giải pháp quan trọng giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh quốc tế. Để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp Việt cần vượt qua những thách thức về tiêu chuẩn và kết nối hệ thống toàn cầu.
Truy xuất nguồn gốc đáp ứng đòi hỏi từ thị trường quốc tế
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, thị trường các nước xuất khẩu ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, sự quan tâm không chỉ dừng lại ở chất lượng hay mẫu mã mà còn ở quá trình tạo ra sản phẩm, từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như nông sản, thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Truy xuất nguồn gốc chủ yếu được áp dụng cho một số sản phẩm và thị trường lớn, trong khi hệ thống truy xuất còn khép kín, thiếu khả năng liên kết với các hệ thống khác. Việc chuẩn hóa và thống nhất giữa các bên tham gia cũng gặp nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ và manh mún.
Ngoài ra, các giải pháp truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam chưa được kết nối và thừa nhận bởi quốc tế, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Quy trình cập nhật thông tin truy xuất, in và dán tem cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có hệ thống đánh giá chứng nhận khách quan để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện truy xuất nguồn gốc, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt Đề án 100 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xây dựng hơn 30 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, y tế và đồ chơi trẻ em.
Ngày 28/03/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN, có hiệu lực từ 1/6/2024, quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Theo ông Nghiêm Thanh Hải - Phó Trưởng ban Ban Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), thông tư này áp dụng cho tất cả tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và cung cấp giải pháp liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Các hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đảm bảo quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ phù hợp tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Thông tin truy xuất nguồn gốc sẽ bao gồm tên, hình ảnh sản phẩm, đơn vị sản xuất, các công đoạn sản xuất, mã truy xuất, thời gian và địa điểm sản xuất. Các thông tin này sẽ được in mã trên bao bì sản phẩm và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm.
Ngày 1/10/2024, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia chính thức đi vào hoạt động. Đây là công cụ quan trọng để kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nước và quốc tế, giúp giám sát và quản lý chất lượng sản phẩm. Cổng thông tin thu hút hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia, góp phần hạn chế tình trạng “loạn” phần mềm truy xuất nguồn gốc.
Cổng cũng giúp quản lý và chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống trong nước và quốc tế, hỗ trợ xử lý phản ánh của người tiêu dùng, doanh nghiệp. Đây là bước tiến quan trọng trong việc minh bạch hóa thông tin sản phẩm, đồng thời nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nền kinh tế số.
Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp
Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định quốc tế mà còn khẳng định chất lượng và sự minh bạch của sản phẩm. Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), tại nhiều quốc gia, truy xuất nguồn gốc đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu và là thói quen của người tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp tăng cường niềm tin của người tiêu dùng mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn đang là vấn nạn nghiêm trọng. Truy xuất nguồn gốc được xem là giải pháp hữu hiệu để người tiêu dùng có thể dễ dàng truy ngược thông tin sản phẩm từ nơi sản xuất ban đầu cho đến các giai đoạn chế biến và phân phối. Việc này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức này, ông Nghiêm Thanh Hải cho biết, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua tại Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024 của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 26/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trong đó, tập trung vào 4 chính sách:
Thứ nhất, đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, sẽ quy định cụ thể nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa; giao Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp đề xuất sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 của các do các bộ/ngành quản lý trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 để bảo đảm tránh chồng chéo trong quản lý chuyên ngành, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, rà soát các nội dung quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu và chỉnh sửa theo hướng đẩy mạnh việc chuyển từ tiền kiểm (kiểm tra trước thông quan) sang hậu kiểm (kiểm tra sau thông quan), kiểm tra chất lượng hàng hóa kinh doanh, mua bán qua thương mại điện tử.
Thứ hai, ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, bổ sung các quy định về ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo, trong đó có nội dung ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, ghi nhãn điện tử; giải quyết những khó khăn, bất cập trong thời gian vừa qua và theo kịp với xu hướng phát triển, triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ trong việc giám sát, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, ghi nhãn điện tử trên thế giới.
Thứ ba, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Theo thông lệ quốc tế, hạ tầng chất lượng quốc gia (National Quality Infrastructure, NQI) là hệ thống cơ chế pháp lý và kỹ thuật để triển khai hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả công nhận) ở từng quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong nước, đẩy mạnh sự thừa nhận của quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ toàn cầu. Do đó, việc tăng cường năng lực Hạ tầng chất lượng quốc gia là yêu cầu, giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ tư, tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Theo đó, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; về kiểm soát viên chất lượng; Giải thưởng chất lượng quốc gia; về phí và lệ phí, xử lý vi phạm; bổ sung quy định về quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh qua thương mại điện tử.
Truy xuất nguồn gốc đang trở thành yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc áp dụng công nghệ, phát triển hạ tầng và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Để đạt được điều này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan nhằm tạo dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả, minh bạch và bền vững.