Truy xuất nguồn gốc - mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính
Áp dụng truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc tế giúp doanh nghiệp Việt nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ thương hiệu và thâm nhập các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định liên quan đến việc áp dụng truy xuất nguồn gốc trong sản xuất và thương mại hàng hóa, với các tiêu chuẩn quốc tế như GS1 và ISO 22005 đang trở thành thước đo chung để đánh giá khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện quy trình sản xuất mà còn mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản.
Chủ tịch Hội Mã số Mã vạch Việt Nam ông Phó Đức Sơn chia sẻ, giải pháp truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR và hệ thống phần mềm đang được áp dụng từ khâu sản xuất, chế biến đến tiếp thị và phân phối. Đây là một yêu cầu cấp bách nhằm bảo vệ sản phẩm khỏi nạn hàng giả, hàng nhái. Việc tự động hóa toàn bộ quy trình truy xuất nguồn gốc không chỉ đảm bảo tính minh bạch thông tin mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp. Theo ông Sơn, giải pháp truy xuất nguồn gốc cần gắn kết chặt chẽ với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Đinh Văn Hoàng - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp và Chính sách cho rằng, mã số mã vạch đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả. Trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, khả năng truy xuất nguồn gốc không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu. Ông Hoàng đề xuất cần có các giải pháp công nghệ đột phá để tích hợp mã số mã vạch với các nền tảng số hiện đại, từ đó tăng cường sự minh bạch trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Nghiêm Thanh Hải - Phó Trưởng ban Quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia đã chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/10/2024. Đến nay, cổng đã kết nối với một số địa phương và hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia vào hệ thống này. Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đang hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp triển khai việc kết nối kỹ thuật với cổng, đảm bảo sự vận hành thông suốt của hệ thống.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Một trong những chính sách quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giám sát chất lượng hàng hóa, bao gồm mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho việc vận hành và giám sát Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc trên toàn quốc.
Ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100). Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 100 là xây dựng và vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, nhằm kết nối các thành phần trong chuỗi cung ứng và hạn chế tình trạng "loạn" phần mềm truy xuất nguồn gốc. Cổng cũng giúp kết nối các hệ thống trong và ngoài nước, quản lý và cập nhật dữ liệu sản phẩm, hàng hóa, cũng như giám sát và xử lý các phản ánh từ người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Các chuyên gia đồng tình rằng, truy xuất nguồn gốc là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm. Công nghệ như mã QR, mã vạch và blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo vệ uy tín của sản phẩm và thúc đẩy hợp tác quốc tế.