Doanh nghiệp gặp khó khi áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ
Doanh nghiệp chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các tiêu chuẩn cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Tính đến nay, Việt Nam đã ban hành 13 tiêu chuẩn liên quan đến nông nghiệp hữu cơ (chủ yếu về trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, thủy sản hữu cơ). Tuy nhiên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, trong quá trình áp dụng, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do các đối tượng áp dụng trong tiêu chuẩn vẫn còn thiếu.
Ví dụ như tiêu chuẩn hữu cơ trong thủy sản hiện chỉ có chứng nhận cho tôm và rong biển. Chính vì vậy xảy ra tình trạng trong cùng một ao nuôi của hợp tác xã dù áp dụng cùng tiêu chuẩn nhưng tôm lại được chứng nhận hữu cơ, còn cá thì không được chứng nhận. Một trường hợp khác là tiêu chuẩn về chăn nuôi hữu cơ hiện cũng chỉ có chứng nhận cho nông sản là sữa và mật ong.
Do có sự hạn chế về đối tượng chứng nhận hữu cơ nên một số hợp tác xã phải áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ cho sản phẩm nông sản của mình. Chính vì vậy, doanh nghiệp đề xuất cơ quan chức năng cần chung tay giải quyết vấn đề này để mở rộng các đơn vị sản xuất áp dụng tiêu chuẩn.
Phát biểu tọa đàm "Tiêu chuẩn hóa: nền tảng cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam" diễn ra cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Hải Xuân, Chuyên gia đánh giá trưởng Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT), Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia chia sẻ, qua thực tế làm việc với nhiều hợp tác xã chăn nuôi gà cho thấy, việc đạt được chứng nhận hữu cơ Việt Nam rất khó.
Ảnh minh hoạ.
Nguyên nhân là bởi yêu cầu trong tiêu chuẩn này đối với nguồn thức ăn cho gà là cám phải sản xuất từ các nguyên liệu hữu cơ. Trong khi cám cho gà chủ yếu là từ ngô và gạo, mà ngô và gạo hữu cơ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho người đã khó, để đáp ứng được nguồn cám hữu cơ phục vụ cho chăn nuôi còn khó hơn. Đồng thời, có những chất trong một số loại thuốc tăng sức đề kháng cho gà không được sử dụng trong tiêu chuẩn này cũng gây khó cho người chăn nuôi.
Ngay các loại phân bón Việt Nam cũng vậy. Hiện, Việt Nam chưa có chứng nhận cho vật tư đầu vào (phân hữu cơ). Hầu hết các loại phân bón vẫn được gọi là phân hữu cơ nhưng trong thành phần vẫn có những chất khoáng, NPK nhất định, mà điều này lại không đáp ứng được vấn đề an toàn cho sản xuất hữu cơ.
Do đó, theo bà Xuân, để giải quyết phần nào vấn đề này, một số đơn vị chứng nhận hữu cơ Việt Nam phải làm việc, liên kết với nhà sản xuất phân bón để tìm hiểu thành phần phân bón kết hợp với phân tích quy trình sản xuất của các HTX, từ đó ra “xác nhận” một số loại phân được phép sử dụng trong quy trình sản xuất hữu cơ Việt Nam.
Một bất cập khác được doanh nghiệp nêu ra là vấn đề ghi nhãn sản phẩm hữu cơ. Để cung ứng sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ ra thị trường, hợp tác xã phải đảm bảo bao bì cần có nhãn và logo theo Quy định 43/2017/NĐ-CP và Nghị định 109/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã, nhà sản xuất chưa nắm được điều này. Có hợp tác xã vẫn gặp khó khăn khi có làm logo nhưng không đúng theo quy định như thiếu mã số, dẫn đến không truy xuất được các thông tin cần thiết của sản phẩm.
Với vai trò của nhà sản xuất, có hợp tác xã cho rằng việc áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đã khó, việc duy trì và tiêu thụ nông sản, sản phẩm hữu cơ còn khó hơn. Bởi dù hợp tác xã sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam nhưng khi bán thóc cho một đơn vị khác chế biến ra sản phẩm cuối cùng thì theo quy định, sản phẩm cuối cùng này mới được chứng nhận hữu cơ. Điều đó khiến hợp tác xã dễ đánh mất thương hiệu trên thị trường. Đáng chú ý, sản phẩm hữu cơ Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ nước ngoài và những sản phẩm dán nhãn sản xuất theo “hướng hữu cơ”.
Trên thực tế, hiện nay, Nghị định 119/2017/NĐ-CP chỉ rõ, đơn vị sản xuất không được ghi trên nhãn là sản xuất theo “hướng hữu cơ” và nếu có sẽ bị phạt, chỉ được ghi trên nhãn là “đang chuyển đổi” theo hướng hữu cơ.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên, CEO Công ty TNHH SX TM DV Hương Đất cho biết, nếu đơn vị sản xuất đang chuyển đổi sang tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản, theo quy định phải mất 2 năm thì khi thời gian chuyển đổi được 1 năm, hợp tác xã có thể áp dụng quy tắc ghi nhãn bằng cách như vậy. Vậy nhưng, Việt Nam hiện không quy định rõ thời gian chuyển đổi nên gây khó khăn cho nhà sản xuất trong khâu này.
Ngoài ra, logo của sản phẩm này cần phải thực hiện khâu quét mã. Nghĩa là thông tin chưa hiển thị hết ra bên ngoài cũng là khó khăn cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, bởi nhiều người tiêu dùng không có thói quen quét mã QR.