Sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp
Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về đơn giản hoá các thành phần hồ sơ, giảm tài liệu trong hồ sơ đăng ký các hoạt động đánh giá sự phù hợp; chứng chỉ đào tạo chuyên gia đánh giá và kinh nghiệm đánh giá của chuyên gia với các chương trình hệ thống quản lý mới; tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài được thực hiện hoạt động tại Việt Nam; thay thế các biểu mẫu về đăng ký thử nghiệm, chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm, giám định… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Về sự cần thiết ban hành, theo Bộ KH&CN, hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được đẩy mạnh xã hội hóa trong thời gian vừa qua theo chủ trương của Chính phủ và quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn (Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP). Các tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng điều kiện quy định tại các Nghị định này (không phân biệt tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài thành lập theo Luật Đầu tư) đều được tham gia vào hoạt động đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ Việt Nam.
Các tổ chức đánh giá sự phù hợp có năng lực đã được đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu quy định sẽ được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xem xét, chỉ định thực hiện đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tác động tích cực đến hoạt động đánh giá sự phù hợp trong nước như: (i) Tạo cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và phục vụ quản lý nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2; (ii) Chuẩn hóa năng lực và tạo cơ chế bình đẳng cho hoạt động các tổ chức đánh giá sự phù hợp; (iii) Định hướng phát triển cho hoạt động đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa làm nền tảng cho phát triển kinh tế và hội nhập với thông lệ chung của hoạt động đánh giá sự phù hợp trong khu vực và trên thế giới.
Tính đến nay đã có hơn 1.800 tổ chức đánh giá sự phù hợp được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp, trong đó có hơn 1.300 tổ chức thử nghiệm; 195 tổ chức chứng nhận sản phẩm và chứng nhận hệ thống quản lý; 97 tổ chức giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa; 191 tổ chức kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Hoạt động đánh giá sự phù hợp đã giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu, biết chính xác mức chất lượng của sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất hoặc mua vào. Điều đó giúp cho doanh nghiệp giữ được uy tín và phát triển bền vững sản phẩm do doanh nghiệp cung cấp. Trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, đòi hỏi các quốc gia phải có chính sách thích hợp để tạo ra thương hiệu quốc gia cho sản phẩm, hàng hoá của mình. Thuận lợi hoá thủ tục đánh giá sự phù hợp thông qua hoạt động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp được coi là một trong những biện pháp xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực cũng chỉ định gần 350 tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, sản phẩm thực phẩm. Đồng thời, đã có quy định để quản lý hoạt động công nhận năng lực các tổ chức đánh giá sự phù hợp; đến nay đã có 03 tổ chức công nhận đã đăng ký hoạt động theo quy định của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.
Các tổ chức đánh giá sự phù hợp đều có năng lực đáp ứng theo chuẩn mực quốc tế như ISO 9001, ISO/IEC 17065, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17020 và ISO/IEC 17025 tương ứng đối với từng loại hình tổ chức đánh giá sự phù hợp, đảm bảo đáp ứng được cơ bản các yêu cầu thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa; làm căn cứ để thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp với các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ngày 29/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 587/QĐ-TTg về việc phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có phương án đơn giản hóa một số điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và lộ trình thực hiện phương án đơn giản hóa từ năm 2023-2024.
Ngày 05/10/2023 và 20/10/2023, Chính phủ đã có Báo cáo số 514/BC-CP và Báo cáo số 587/BC-CP báo cáo Quốc hội kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó có nội dung báo cáo về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP (tại Phụ lục II kèm theo Báo cáo số 514/BC-CP).
Ngày 15/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kèm theo Quyết định số 53/QĐ-TTg. Trong đó, giao Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP trong tháng 11/2024.
Đồng thời, quá trình triển khai Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP còn một số vướng mắc, hạn chế như sau: Nghị định 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp trong trường hợp tổ chức đánh giá sự phù hợp vi phạm một trong các quy định nhưng chưa quy định trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận và chưa quy định đối với trường hợp thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận theo đề nghị của tổ chức.
Ảnh minh hoạ.
Theo quy định tại tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17000:2020 (ISO/IEC 17000), hoạt động đánh giá sự phù hợp bao gồm cả hoạt động xác nhận giá trị sử dụng/thẩm định (tiếng Anh là validation), kiểm tra xác nhận/thẩm tra (tiếng Anh là verification).
Theo TCVN ISO/IEC 17029:2020 (ISO/IEC 17029:2019) - Đánh giá sự phù hợp - nguyên tắc chung và yêu cầu đối với tổ chức xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận, các ví dụ hiện tại mà xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận là hoạt động đánh giá sự phù hợp bao gồm các công bố liên quan đến phát thải khí nhà kính (ví dụ theo TCVN ISO 14064-3 (ISO 14064-3)), nhãn môi trường, các công bố về sản phẩm và dấu vết các bon (ví dụ theo TCVN ISO 14020 (ISO 14020) và TCVN ISO 14040 (ISO 14040), chẳng hạn như công bố về môi trường của sản phẩm, tính bền vững hoặc báo cáo môi trường (ví dụ theo ISO 14016)).
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng lớn để phát triển đất nước, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng, bao gồm chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI coi chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Ứng phó với biến đổi khí hậu phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu; không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Kết luận số 56 KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó ứng phó với biến đổi khí hậu phải đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hướng tới đạt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Do đó, việc nghiên cứu, quy định cụ thể về tổ chức xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận (bao gồm cả phát thải khí nhà kính) là cần thiết để triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phụ lục IV về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2016 và năm 2020, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (số thứ tự 201 tại Luật Đầu tư năm 2016 và số thứ tự 188 tại Luật Đầu tư năm 2020) là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nội dung này đã được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2026 và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018.
Bên cạnh đó, ngày 12/3/2024, Bộ Công Thương đã có văn bản số 1559/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản kỹ thuật mới, thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững, trong đó có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với hoạt động xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận khí nhà kính (dấu vết carbon) và tổ chức thực hiện. Ngày 17/4/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2556/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đối với đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản số 1559/BCT-XNK, theo đó giao Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Bộ Công Thương tại văn bản nêu trên để chủ động tích cực triển khai các biện pháp phù hợp, theo thẩm quyền và quy định pháp luật, kịp thời ứng phó và thích ứng với các rào cản kỹ thuật mới nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững; báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền.
Tuy nhiên, hiện nay Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP chưa quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận. Do đó, để triển khai thống nhất quy định tại Luật Đầu tư, ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Công văn số 2556/VPCP-KTTH ngày 17/4/2024 và phù hợp với thông lệ quốc tế, việc nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận (bao gồm cả các tổ chức thực hiện thẩm định hoặc thẩm tra các xác nhận khí nhà kính) vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP là hết sức cần thiết.
Điểm c khoản 5 Điều 25 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định tổ chức đánh giá sự phù hợp phải đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Việc đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp hiện nay được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy định về đăng ký tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn hiện nay chưa phù hợp hội nhập quốc tế, chưa quy định đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài được thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam.
Do đó, việc đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp cần nghiên cứu, bổ sung quy định đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài được thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam để phù hợp với hội nhập quốc tế (đặc biệt là các cam kết tại CPTPP, EVFTA, RCEP).
Bên cạnh đó, ngày 02/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo Nghị định số 28/2023/NĐ-CP, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được tổ chức lại thành Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia. Do đó, cần nghiên cứu, thay đổi cụm từ “Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng” tại các Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 28, Điều 29 và Mẫu số 11, Mẫu số 13, Mẫu số 14, Mẫu số 15, Mẫu số 16 trong Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP bằng cụm từ “Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia” để thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐCP theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 29/5/2023, Báo cáo số 514/BC-CP ngày 05/10/2023, Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023, Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15/01/2024, phù hợp với tình hình triển khai thực tế hiện nay và hội nhập quốc tế là hết sức cần thiết.