Khoa học công nghệ - nền tảng giúp nâng cao năng suất
Doanh nghiệp Việt cần xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Hiện nay, việc cải thiện, nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, giúp nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của đổi mới công nghệ; nâng cao năng suất lao động; chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nước ta.
Đầu tư cho công nghệ là con đường bền vững giúp nâng cao năng suất. (Ảnh minh họa)
Phần lớn doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Quy mô doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước.
Hơn nữa, các doanh nghiệp tham gia hoạt động liên quan đến sáng tạo còn hạn chế, trong khi qua nghiên cứu cho thấy, những doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có mức năng suất lao động cao hơn 19,3% so với các doanh nghiệp còn lại.
Các chuyên gia nhận định, trong xu thế hội nhập hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tiến bộ khoa học công nghệ có thể làm giảm số lượng lao động trên một đơn vị sản phẩm, làm cho giá trị lao động ở mỗi đơn vị sản phẩm giảm đi nhiều lần tùy vào loại hình sản phẩm. Nói cách khác, khoa học công nghệ có vai trò như “đòn bẩy” đưa năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa bứt phá.
Bên cạnh đó, đại diện một số doanh nghiệp cũng cho biết, có nhiều yếu tố giúp tăng năng suất lao động như chất lượng nguồn nhân lực, công nhân tay nghề cao, chuyên môn tốt sẽ mang lại sản phẩm tốt, thời gian làm việc nhanh, ít sai lỗi... Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo phải có chiến lược và thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.
Ngoài ra, chú trọng nâng cao ý thức, kỷ luật của người lao động. Khi có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề... người lao động sẽ nâng cao năng suất lao động của chính bản thân mình, tạo uy tín trong môi trường làm việc và có cơ hội nâng cao thu nhập. Vì vậy, cần có sự nỗ lực từ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động để góp phần hình thành hệ ý thức, kỷ luật chung. Đây là yêu cầu tất yếu, nếu không đáp ứng được người lao động có thể bị đào thải trong quá trình phát triển chung của doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Trong đó, quan điểm chỉ đạo là tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất", huy động, giải phóng nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển...
Bảo đảm tính ổn định, nhất quán, dễ dự báo, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và thực chất của chính sách; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước.
Hỗ trợ doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; phát triển mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững...