Xây dựng và quản lý mã số vùng trồng góp phần nâng cao uy tín nông sản Việt Nam
Hoạt động cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu. Qua đó giúp thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn.
Hiện nay, việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được xem như “hộ chiếu” giúp nông sản Việt Nam xuất khẩu theo đường chính ngạch sang nhiều thị trường trên thế giới, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thời gian qua, hoạt động cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt kết quả tích cực nhằm nâng cao uy tín nông sản Việt Nam và tăng kim ngạch xuất khẩu. Ngày càng nhiều nông sản của nước ta xuất hiện trên các kệ hàng siêu thị nước ngoài - đặc biệt có những quốc gia yêu cầu tiêu chuẩn vô cùng khắt khe - là minh chứng cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ từ cả 3 phía cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân.
Hiện nay đã có 708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Việc thiết lập vùng trồng để cấp mã số bao gồm xác định diện tích, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng, kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước, có nhật ký canh tác, thực hành nông nghiệp tốt, tối thiểu là theo quy trình VietGAP. Qua đó giúp thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn.
Tính đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, gạo, sầu riêng. Số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp nhiều nhất từ các thị trường Trung Quốc, Mỹ, New Zealand và Australia. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Ví dụ như với mặt hàng sầu riêng, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) dẫn số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỉ dân này. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.
Theo quy định của Trung Quốc, sầu riêng nhập khẩu vào quốc gia này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm và yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc. Như vậy, việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói ngoài việc giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, còn đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện trách nhiệm trong sản xuất của nước xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã quan tâm, chỉ đạo với nhiều văn bản như: Công văn 5841/BNN-BVTV ngày 26/8/2020 về việc tăng cường công tác giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Công văn số 2425/BNN-BVTV ngày 27/4/2021 về việc kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu; Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu...