Nông nghiệp bền vững và vấn đề tiêu chuẩn hóa
Những năm gần đây, Việt Nam đã khai thác tốt lợi thế của nền nông nghiệp, tiếp tục phát triển, duy trì tăng trưởng và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản không ngừng tăng trưởng, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản trên thế giới.
Mặc dù đạt nhiều thành tựu trong quá trình phát triển nhưng chất lượng, tính bền vững của tăng trưởng nông nghiệp và phương thức phát triển còn nhiều hạn chế; phát triển nông nghiệp dựa trên việc gia tăng diện tích, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại làm tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh của nông sản cũng như tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết, hợp tác. Hơn nữa, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên, kèm dịch bệnh diễn biến khó lường, đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ ngày càng diễn ra mạnh mẽ nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng, giảm thiểu rủi ro của biến đổi khí hậu và những rủi ro khác về thị trường. Những khái niệm như “nông nghiệp hữu cơ”, “nông nghiệp tuần hoàn” và “nông nghiệp bền vững” ngày càng được quan tâm.
Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) định nghĩa về phát triển nông nghiệp bền vững là “việc quản lý và bảo tồn nền tảng tài nguyên thiên nhiên và định hướng thay đổi công nghệ theo cách đảm bảo đạt được sự thỏa mãn liên tục về nhu cầu của con người cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Nông nghiệp bền vững bảo tồn đất, nước, nguồn gen động vật và thực vật, đồng thời không làm suy thoái môi trường, phù hợp về mặt kỹ thuật, khả thi về mặt kinh tế và được xã hội chấp nhận”.
Ảnh minh họa.
Tại Việt Nam, khái niệm “Nông nghiệp bền vững” đã được pháp lý hóa tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, nền “nông nghiệp bền vững” là nền nông nghiệp trong đó đảm bảo cơ hội phát triển cho các thế hệ tương lai, khả năng thích ứng và chống chịu biến động, cân đối, hài hòa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế, tái tạo nguyên liệu, năng lượng... trong sản xuất.
Các tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất bền vững được đề cập tại Quyết định số 150/QĐ-TTg là thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn…, bao gồm cả các phương thức phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nội hàm của hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững cũng được nêu trong Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 02/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khái niệm “nông nghiệp bền vững” cũng được đề cập trong Mục tiêu số 2 về chấm dứt nạn đói trong số các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc: “Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững”. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017).
Năm 2019, để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, bảo đảm sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và áp dụng những phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu giúp tăng năng suất và sản lượng, duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, các thảm họa khác và dần dần cải tạo chất lượng đất đai: diện tích gieo trồng nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất an toàn duy trì mức tăng 10-15% hàng năm; diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững duy trì mức tăng 8% hàng năm.
Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 300/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, trong đó có nêu quan điểm thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với an ninh lương thực trong khu vực và thế giới.
Trên khía cạnh tiêu chuẩn hóa, Quyết định số 150/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu giải pháp “Tập trung hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành; hài hòa hoá tiêu chuẩn khu vực, quốc tế để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản”.
Quyết định này cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn triển khai áp dụng công cụ quản lý, quy trình quản lý hiện đại. Trong khi đó, Quyết định số 300/QĐ-TTg đưa ra giải pháp “cập nhật và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất, quy trình quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp sinh thái và phát thải thấp”.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN) về nông nghiệp bền vững hiện có một số tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn sau đây: Bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ (gồm 12 tiêu chuẩn, công bố trong các năm 2017, 2018, 2023); TCVN 11892-1:2017 Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) – Phần 1: Trồng trọt; TCVN 13528-1:2022 Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) – Phần 1: Nuôi trồng thủy sản trong ao; TCVN 12945:2020 (ISO/TS 19657:2017) Định nghĩa và tiêu chí kỹ thuật đối với các thành phần nguyên liệu thực phẩm được coi là tự nhiên.
Bên cạnh đó, đã có các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, bao gồm yêu cầu về thu thập thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm (TCVN 13987:2024), yêu cầu đối với logistic chuỗi lạnh cho thực phẩm (TCVN 13990:2024), các tiêu chí đánh giá hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm (TCVN 13167:2020) và các yêu cầu đối với chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm cụ thể.
Trong các năm tới, cần tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc nông sản, tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp sinh thái và phát thải thấp, nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam về nông nghiệp bền vững.