Bảo tồn và khai thác nguồn gen cây Tùng La Hán lá dài tại một số đảo của tỉnh Quảng Ninh
Việt Nam là nước có điều kiện tự nhiên đa dạng với nhiều thành phần dân tộc sinh sống khác nhau từ Bắc vào Nam. Điều này đã tạo cho chúng ta một hệ sinh thái vô cùng phong phú với nhiều giống cây trồng khác nhau có giá trị cao.
Tuy nhiên, vài thập kỷ gần đây, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tài nguyên di truyền thực vật của Việt Nam đã và đang bị xói mòn nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu, sự thoái hóa của đất và nước, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và giao thông được coi là những tác động có khả năng làm mất đi nhiều nguồn gen thực vật quí.
Hình ảnh đoàn kiểm tra thăm mô hình nhân giống tùng La Hán lá dài tại xã Cái Chiên
Nhằm điều tra thu thập bảo tồn nguồn gen cây Tùng La Hán lá dài tại một số đảo của tỉnh Quảng Ninh, từ đó lưu giữ đánh giá nguồn gen để bảo tồn và phục vụ cho mục tiêu lương thực và nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai, ThS. Trần Văn Tam cùng các công sự tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh đã thực hiện đề tài: “Bảo tồn và khai thác nguồn gen cây Tùng La Hán lá dài tại một số đảo của tỉnh Quảng Ninh”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện (từ 8/2023 - 4/2024), đề tài đã đạt được 1 số kết quả nổi bật sau:
- Đã tiến hành điều tra bổ sung, đánh giá thực trạng phân bố nguồn gen tùng La Hán lá dài tại một số đảo của tỉnh Quảng Ninh.
Tiến hành phỏng vấn, thu thập số liệu được 75 phiếu, lập 08 tuyến điều tra, thiết lập 24 OTC và 120 ODB để đánh giá và đo đếm, lấy mẫu đất để phân tích các thành phần.
- Đã nghiên cứu đặc điểm sinh học của loài: Thu thập mẫu tại Cái Chiên, tiến hành định danh nguồn gen phục vụ công tác bảo tồn, duy trì an toàn nguồn gen tùng La hán lá dài. Tiến hành chọn cây mẹ tại rừng tự nhiên và trong vườn của người dân, treo thẻ, lập hồ sơ cây mẹ phục vụ công tác bảo tồn tại chỗ.
- Đã xây dựng 01 mô hình nhân giống với qui mô 1.500 cây, bằng phương pháp gieo hạt, tỷ lệ cây sống > 95%, cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Áp dụng biện pháp bón bổ sung phân bón NPK và phân vi sinh Sông Gianh trên cây mẹ để theo dõi đánh giá tác động của liều lượng phân bón.
- Đã tiến hành lập 08 bản đồ phân bố nguồn gen trên các tuyến điều tra.
Các ý kiến đều nhận xét, đánh giá đề tài đang được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo đầy đủ về chủng loại, số lượng và chất lượng so với yêu cầu.
Đề tài đã được đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện.