Buổi làm việc giữa Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia và Đại sứ quán UAE tại Việt Nam

16/10/2024 07:34 Số lượt xem: 19

Sáng ngày 14/10/2024, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia Hà Minh Hiệp đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ quán Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong ngành Halal.


TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (phải) và ông Eisa Alhammadi – đại diện Đại sứ quán Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tại buổi làm việc. 

Tham gia chương trình có TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ); ông Eisa Alhammadi – đại diện Đại sứ quán Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cùng đại diện các đơn vị liên quan thuộc Ủy Ban.

Tại buổi làm việc, TS. Hà Minh Hiệp bày tỏ sự vui mừng và gửi lời chúc tới Đại sứ quán UAE về việc đại diện UAE - bà Farah Al Zarooni trúng cử Đại hội đồng ISO nhóm 3 nhiệm kỳ 2025 - 2027 tại Đại hội đồng thường niên ISO diễn ra tại Colombia vào tháng 9 vừa qua.

Tiếp đó, Quyền Chủ tịch Hà Minh Hiệp đưa ra đề xuất mong muốn phía UAE hỗ trợ phát triển ngành Halal trong lĩnh vực du lịch, thực phẩm; hỗ trợ nguồn tài liệu và nhân lực cho việc phát triển tiêu chuẩn Halal, phát triển Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (Halcert) tại Việt Nam;…

Đáp lại mong muốn trên, ông Eisa Alhammadi – Đại sứ quán UAE nhấn mạnh, UAE rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ phát triển lĩnh vực Halal tại Việt Nam. Theo đó, UAE cũng sẽ tìm hiểu kỹ hơn về tầm nhìn của Việt Nam ngành Halal, cơ cấu và những hình thức hỗ trợ mong đợi từ UAE.


Toàn cảnh buổi làm việc.

Thông tin tại buổi làm việc, phía UAE cho biết, người Hồi giáo hiện chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới, với hơn 1,9 tỷ người. Khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương là nơi tập trung người Hồi giáo lớn nhất, với 860 triệu người (chiếm khoảng 43,5%). Đây cũng là nơi tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới. Năm 2023, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đạt khoảng 2,3 nghìn tỷ USD, dự kiến ​​đạt 5,3 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal do vị trí địa lý thuận lợi, có thế mạnh trong phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, đặc biệt là đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… Có thể khẳng định, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu là rất lớn.

Một số hình ảnh chụp lưu niệm tại chương trình:




 

Nguồn: VietQ

Thống kê truy cập

Online : 4313
Đã truy cập : 150807195