Công nghệ chuyển hóa bùn thành cellulose vi khuẩn đoạt giải Nhất Sáng kiến Khoa học 2024

20/05/2024 17:00 Số lượt xem: 14

Hai giải Nhất và Nhì cuộc thi Sáng kiến Khoa học năm nay (Công nghệ chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn và Robot gieo hạt, phun thuốc, bón phân sử dụng đa chong chóng đẩy) đều thuộc về Trường Đại học Bách khoa TPHCM

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang (bìa phải) và ông Phạm Hiếu, Tổng biên tập báo VnExpress, trao giải nhất cho PGS.TS Nguyễn Đình Quân, đại diện nhóm Biomass Lab. Ảnh: VNExpress

Vượt qua hơn 135 hồ sơ trong các lĩnh vực y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường, vật liệu mới, vi mạch bán dẫn, sáng kiến “Công nghệ chuyển hóa bùn thành cellulose vi khuẩn” của PGS.TS Nguyễn Đình Quân cùng đồng nghiệp (nhóm Biomass Lab, Trường Đại học Bách khoa TPHCM) đã chiến thắng Cuộc thi Sáng kiến khoa học 2024.

Nhóm nghiên cứu đã chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn (một dạng cellulose có hình thái nano cấu trúc 3D) bằng phương pháp hóa sinh kết hợp. Sản phẩm cellulose vi khuẩn là một nguyên liệu sinh học giá trị có thể được tạo ra với số lượng lớn từ nguồn phế thải khổng lồ của ngành công nghiệp giấy. Sản phẩm được ứng dụng đa dạng trong lĩnh vực nhựa sinh học, dệt may, màng lọc nano, da/gỗ nhân tạo, áo giáp chống đạn và sản xuất giấy.

Giải pháp này hướng đến giúp doanh nghiệp sản xuất giấy giải quyết một phần gánh nặng xử lý chất thải, góp phần vào nền kinh tế tuần hoàn. Hiện công nghệ được ứng dụng quy mô thử nghiệm pilot tại nhà máy giấy Thuận An (Bình Dương) và nhà máy giấy Khôi Nguyên (Bình Phước).

Màng cellulose vi khuẩn lên men từ bùn giấy sau tiền xử lý. Ảnh: VNExpress

Cuộc thi Sáng kiến Khoa học do Báo VNExpress tổ chức là sân chơi cho những người yêu khoa học, công nghệ, hướng tới các nhà khoa học chuyên hoặc không chuyên, với các giải pháp, sản phẩm có giá trị ứng dụng trong cuộc sống. Sản phẩm/giải pháp đoạt giải có khả năng ứng dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tối ưu hóa các nguồn lực hiện có giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao hơn, góp phần hình thành các mô hình phát triển kinh tế mới.

Chia sẻ tại buổi lễ trao giải diễn ra vào ngày 16/5, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết năm nay, số lượng hồ sơ gửi về nhiều hơn so với hai năm trước, các bài dự thi trải đều các lĩnh vực y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Đặc biệt, Cuộc thi năm nay có thêm một hạng mục mới là vật liệu vi mạch bán dẫn. “Các tác giả có nhiều người là nhà khoa học trong các viện nghiên cứu, trường đại học, và cả người dân, những em học sinh đưa ra các sáng kiến giải bài toán từ chính cuộc sống họ đang gặp phải”, Thứ trưởng nói. Đây là năm thứ ba cuộc thi được tổ chức, theo ông, cuộc thi là cơ hội để các nhà khoa học trẻ có thể trao đổi ý kiến, giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới, những sáng tạo hữu ích tới cộng đồng.

Chính thức được khởi động từ ngày 2/12/2023, ban tổ chức đã nhận được hơn 135 hồ sơ tranh giải. Kết thúc vòng loại, 30 sản phẩm/giải pháp tiếp tục lọt vào vòng Chung kết và được đăng tải thông tin công khai trên website của Cuộc thi để độc giả tham gia bình chọn. Tại vòng Chung kết, các tác giả/nhóm tác giả đã có buổi thuyết trình dự án trước Hội đồng giám khảo. Kết quả đánh giá dựa trên điểm của Hội đồng Ban giám khảo (80%) và điểm bình chọn của độc giả (20%).

Qua quá trình đánh giá, Ban tổ chức Cuộc thi trao bảy giải thưởng gồm: một giải Nhất trị giá 70 triệu đồng; một giải Nhì 50 triệu đồng; một giải Ba 30 triệu đồng; ba giải Khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng và một giải Sáng kiến 30 triệu đồng.

Danh sách các giải pháp đoạt giải Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024:

Giải Nhất: Công nghệ chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn (Nhóm Biomass Lab, Trường Đại học Bách Khoa TPHCM)

Giải Nhì: Air Boots - Robot gieo hạt, phun thuốc, bón phân sử dụng đa chong chóng đẩy (Nhóm Trường Đại học Bách Khoa TPHCM)

Giải Ba: Bê tông “xanh” truyền sáng chế tạo từ thuỷ tinh, tro, xỉ, bùn thải, không sử dụng xi măng (Nhóm Bê tông "Xanh", Trường Đại học Mỏ - Địa chất)

Giải Khuyến khích:

Bảng viết theo độ tuổi cho học sinh vùng khó khăn (Phạm Thu Trang)

Chẩn đoán, tiên lượng và dự đoán điều trị ung thư gan dựa vào gene F12 (Nhóm MedVNU Oncology)

Ô cửa học tập thông minh cho học sinh Mầm non miền núi (Nhóm Mầm non Hoa sen Tuyên Quang)

Giải Sáng kiến:

Bếp nước ấm vùng cao (Nhóm Thuỷ Sơn Năng)

Nguồn: Khoa học và Phát triển

Thống kê truy cập

Online : 3388
Đã truy cập : 150785155