Theo dõi điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy bằng kỹ thuật dPCR

19/09/2024 07:30 Số lượt xem: 3

Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (BCMDT) là bệnh của tế bào gốc đa năng. Các tế bào tạo máu của người bệnh mang nhiễm sắc thể Philadelphia, là kết quả của chuyển vị giữa nhánh dài nhiễm sắc thể 9 và 22, tạo thành tổ hợp gen BCR-ABL.

Tổ hợp gen này đóng vai trò gây bệnh BCMDT. Vì thế, bệnh BCMDT được điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích phân tử BCR-ABL, từ đó làm giảm và loại trừ tế bào mang tổ hợp gen gây bệnh này. Tuy nhiên, việc duy trì dùng thuốc làm người bệnh đối mặt với nguy cơ kháng thuốc, chịu tác dụng phụ và gánh nặng về kinh tế. Do đó, bác sĩ cần cân nhắc việc ngưng thuốc ở thời điểm thích hợp, đủ an toàn để người bệnh ít nguy cơ tái phát nhất có thể, đồng thời theo dõi sát để phát hiện sớm dấu hiệu tái phát ở mức phân tử.


Phương pháp dPCR tạo giọt.

Hiện nay, các kỹ thuật cho phép xác định phân từ MR4,5 - MR5,0 bao gồm RQ PCR hệ thống kín và PCR kỹ thuật số. Tuy nhiên, RQ PCR hệ thống kín chưa thực hiện được vì kit của hệ thống này chưa được nhập về Việt Nam. Trong khi đó, kỹ thuật dPCR được triển khai tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh từ năm 2019, với đặc điểm chia nhỏ dung dịch phản ứng thành khoảng 20.000 giọt kích thước siêu nhỏ vài nanolit, sau đó khuếch đại và định lượng số bản sao gen đích trong từng giọt.

Tại Việt Nam, các hệ thống RQ PCR có thể đánh giá đáp ứng thuốc ở mức MR4,0 để quyết định ngưng thuốc cho người bệnh, nhưng theo dõi sau khi ngưng thuốc (MR4,5 - MR5,0), vẫn chưa được triển khai. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành đánh giá đáp ứng sâu về sinh học phân tử trên bệnh nhân bạch cầu mạn dòng tủy điều trị thuốc ức chế tyrosine kinase nhằm đánh giá khả năng theo dõi tồn lưu tế bào ác tính trong bệnh BCMDT bằng kỹ thuật dPCR.

Các tác giả đã khảo sát trên 105 người bệnh BCMDT đang điều trị TKI tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh trong thời gian từ tháng 2/2020 - 6/2022 đã đạt MR3,0 sau điều trị từ 6 -18 tháng. Kết quả cho thấy, 43,8% người bệnh đạt MR4,0 trở lên khi khảo sát bằng RQ PCR. Trong khi đó, tỷ lệ người bệnh đạt MR4,0 trở lên khi khảo sát bằng dPCR là 67,6%. Điều này cho thấy dPCR ưu thế hơn RQ PCR khi khảo sát các mẫu còn tồn lưu thấp.

Kỹ thuật dPCR có độ nhạy và độ đặc hiệu cao với khả năng phát hiện đến MR4,7. Do đó, để đánh giá đáp ứng sâu về sinh học phân tử, nên triển khai xét nghiệm dPCR thường quy. Đồng thời, trên người bệnh BCMDT điều trị TKI, nên định lượng BCR/ABL mỗi 3 - 6 tháng sau điều trị, nhằm tiên lượng nguy cơ tái phát, khả năng ngưng thuốc TKI và duy trì lui bệnh sau ngưng thuốc.

Theo nhóm nghiên cứu, dPCR là một kỹ thuật mới, có độ chính xác và độ tin cậy cao hơn RQ PCR, đặc biệt là ở mức MR4,0 và MR4,5. Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào khảo sát việc đánh giá đáp ứng điều trị thuốc ở người bệnh BCMDT bằng dPCR.

Việc xây dựng và chuẩn hóa kỹ thuật dPCR giúp đánh giá tình trạng bệnh, qua đó, giúp cho bác sĩ lâm sàng đưa ra quyết định ngưng thuốc cho người bệnh ở thời điểm thích hợp. Mặt khác, kỹ thuật này cũng cho phép phát hiện sớm các trường hợp không đáp ứng hay tái phát, từ đó giúp bác sĩ lâm sàng có thể thay đổi phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nhu cầu khảo sát đáp ứng về sinh học phân tử rất cấp thiết để quyết định ngưng thuốc, kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng rộng rãi cho các bệnh viện điều trị bệnh BCMDT trên cả nước.

Nguồn: NASATI

Thống kê truy cập

Online : 3282
Đã truy cập : 150785133