Tối ưu hạ tầng công nghệ hiện đại
Tắt sóng 2G là yêu cầu mang tính thời đại nhằm bảo đảm tối ưu hạ tầng, nguồn lực cho các thế hệ mạng công nghệ hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Để việc tắt sóng 2G thực hiện theo đúng lộ trình và không gây gián đoạn thông tin liên lạc, bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ,
Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh phối hợp các nhà mạng trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án, triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày càng nhiều mạng di động mới hiện đại, tối ưu hơn như 4G, 5G ra đời, đem đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, nhất là hỗ trợ internet thông suốt trên các thiết bị thông minh, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện. Trong khi đó, những thiết bị công nghệ 2G đời cũ không còn đáp ứng được yêu cầu trở thành “công dân số” trong thời đại số hóa toàn cầu hiện nay. Tại Bắc Ninh, hạ tầng viễn thông không ngừng phát triển. Theo số liệu của Sở TT&TT, hiện trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông. Các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, không những mở rộng về quy mô mà còn cung cấp ngày càng đa dạng các loại hình dịch vụ, với hệ thống tổng đài kỹ thuật số hiện đại, tuyến truyền dẫn giữa các huyện, thành phố trong tỉnh được cáp quang hóa, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mạng ngoại vi từng bước được quy hoạch xây dựng ngầm hóa trên phạm vi toàn tỉnh. Mạng điện thoại di động 3G, 4G được phủ sóng đến tất cả các thôn, xóm với chất lượng tốt. Năm 2021, mạng di động 5G được thử nghiệm tại KCN Yên Phong, là KCN đầu tiên trong cả nước được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai thí điểm mạng di động 5G, hiện nay triển khai gần 10 trạm BTS 5G trong đó có KCN Yên Phong và KCN VSIP… trở thành một phương tiện thông tin liên lạc thiết yếu, mạng truyền hình trả tiền đã được phát triển rộng khắp với chất lượng cao, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân.
Hoạt động ở phòng điều hành nghiệp vụ Trung tâm Kinh doanh VNPT Bắc Ninh.
Đến hết tháng 6-2024, Bắc Ninh có tổng khoảng 2.023.900 thuê bao điện thoại . Trong đó, thuê bao điện thoại cố định khoảng 29.400, thuê bao điện thoại di động khoảng 1.994.500. Tổng số thuê bao Internet các loại ước đạt 1.218.900, mật độ đạt 81,5 thuê bao/100 dân, trong đó thuê bao Internet băng rộng cố định khoảng 284.500, thuê bao Internet không dây băng rộng là 934. Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền trên địa bàn tỉnh là 151.000, mật độ đạt 10.6 thuê bao/100 dân. Tổng hơn 3.230 trạm BTS các loại (2G, 3G, 4G, 5G) với hơn 1.350 cột BTS. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của 3 nhà mạng Vinaphone, Viettel, Mobifone đến hết tháng 6-2024 có khoảng gần 80.000 thuê bao đang sử dụng thiết bị điện thoại 2G cần chuyển đổi. Các nhà mạng đều có các chính sách hỗ trợ đổi máy cũ 2G lên máy 4G kèm theo các gói cước của nhà mạng.
Cán bộ kỹ thuật Mobifone Bắc Ninh giám sát hệ thống truyền dẫn (TRAN).
Thực hiện kế hoạch tắt sóng 2G, Mobifone Bắc Ninh chủ động tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh ít lưu lượng; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đảm bảo đến tháng 9-2024 thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi và không ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng khi thực hiện tắt sóng 2G, đơn vị triển khai các phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng. Ông Nguyễn Huy Nhân, Giám đốc Mobifone Bắc Ninh cho biết: “Mobifone Bắc Ninh có gần 600 trạm thu phát sóng di động trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, đến tháng 7 còn khoảng 1.300 khách hàng sử dụng thuê bao 2G. Thời gian qua, Mobifone Bắc Ninh đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương tắt sóng 2G bằng việc chủ động gọi điện, nhắn tin tuyên truyền chủ trương, lộ trình dừng công nghệ 2G tới khách hàng. Bên cạnh đó, đơn vị triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng chuyển đổi như: Hỗ trợ toàn bộ chi phí hoặc một phần chi phí cho khách hàng khi chuyển đổi từ thiết bị 2G sang điện thoại 3G/4G, giảm 70-80% gói cước. Phấn đấu tháng 2-2025, triển khai phát sóng 5G, giai đoạn đầu tập trung ở thành phố, trung tâm của tỉnh. Theo ông Nghiêm Văn Hách, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh, chủ trương dừng công nghệ 2G phù hợp với xu thế chung, giúp người dân được cung cấp dịch vụ tốt hơn, tiện ích hơn, dịch vụ viễn thông tốc độ nhanh, chất lượng cao hơn; góp phần hoàn thành mục tiêu “Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh”, phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân. Kể từ ngày 16-9-2024, không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối (điện thoại cục gạch) thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (Công nghệ 2G), trừ trường hợp cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao kết nối vào mạng GSM (Công nghệ 2G) tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK. Để thực hiện hiệu quả chủ trương tắt sóng 2G, Sở TT&TT đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng phương án và các chương trình cụ thể nhằm hỗ trợ khách hàng dừng sóng 2G, tập trung vào việc hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước di động để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng điện thoại thông minh.