Ứng dụng công nghệ trong truyền tải điện
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng điện năng để đáp ứng cho các hoạt động sản xuất, dịch vụ và đời sống gia tăng mạnh mẽ. Để bảo đảm nguồn cung cấp điện liên tục và ổn định, việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong ngành điện lực là một trong những chiến lược quan trọng.
Trạm biến áp 220kV Hải Châu là một trạm hiện đại nhất không chỉ ở thành phố Đà Nẵng mà còn cả miền Trung Tây Nguyên. Đây là một trong những thành tựu trong quá trình đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ của Công ty Truyền tải điện 2 để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải.
Hệ thống GIS cấp điện áp 110kV của Trạm 220kV Hải Châu
Trạm biến áp 220kV Hải Châu nằm ven biển Đà Nẵng, thuộc địa phận quận Thanh Khê, là một công trình hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất. Được đầu tư bởi Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và quản lý vận hành bởi Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2), trạm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30/9/2024. Đây là một bước tiến trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào hệ thống truyền tải điện của Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, đáp ứng nhu cầu điện năng đang ngày càng tăng cao của thành phố Đà Nẵng và các khu vực lân cận.
Một trong những điểm nổi bật của Trạm 220kV Hải Châu là việc áp dụng công nghệ GIS (Gas Insulated Switchgear), thiết bị đóng cắt cách điện bằng khí SF6. Công nghệ này cho phép các thiết bị của trạm được cách điện và bảo vệ bởi khí SF6 trong các ống kín, hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Điều này không chỉ giúp trạm trở nên an toàn hơn khi vận hành mà còn giảm thiểu thời gian bảo dưỡng thiết bị. Bên cạnh đó, công nghệ GIS cũng giúp tiết kiệm không gian và nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo cho hệ thống truyền tải điện tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên được vận hành ổn định và hiệu quả hơn bao giờ hết.
Trạm biến áp Hải Châu cũng được trang bị hệ thống điều khiển tích hợp tự động hóa dựa trên nền tảng GSC1000-C của Toshiba. Hệ thống này bao gồm các thiết bị phần cứng và phần mềm, cho phép giám sát và điều khiển tự động toàn bộ thiết bị trong trạm. Thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu về thông tin liên lạc, bảo vệ, đo lường và điều khiển thiết bị, hệ thống giúp cho các kỹ sư và nhân viên vận hành nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của trạm, đồng thời giảm thiểu nguy cơ sự cố và nâng cao hiệu quả quản lý. Nhờ sự tự động hóa này, Trạm 220kV Hải Châu có thể vận hành theo chế độ "không người trực", góp phần tối ưu hóa nguồn lực và tăng cường tính linh hoạt trong quản lý.
Để đáp ứng yêu cầu về vận hành công nghệ hiện đại tại Trạm Hải Châu, PTC2 đã chú trọng vào việc đào tạo nhân lực chuyên môn. Các nhân viên vận hành phải trải qua nhiều khóa đào tạo để nâng cao kỹ năng, từ quy trình an toàn điện, phòng chống cháy nổ đến học tập kinh nghiệm từ các trạm hiện đại khác như Trạm GIS 220kV Tao Đàn tại TP Hồ Chí Minh. Đối với các nhân viên, việc làm quen với công nghệ mới cũng đòi hỏi sự thay đổi thói quen làm việc và thích nghi với một môi trường làm việc hoàn toàn mới mẻ, hiện đại. Với đặc thù của công việc vận hành trạm không người trực, các nhân viên không chỉ phải đảm bảo hoạt động 24/24 mà còn thực hiện các công việc liên quan khác một cách đồng bộ và chính xác.
Việc áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành điện lực Việt Nam. Công nghệ GIS cùng hệ thống điều khiển tự động tại Trạm 220kV Hải Châu là minh chứng rõ nét cho việc chuyển đổi số, hiện đại hóa các hoạt động trong ngành điện lực, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm và đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh. Hơn nữa, trạm biến áp hiện đại này còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên.