Áp dụng quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ để giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa
Với lợi thế đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về sản xuất lúa, Đắk Lắk đang hướng đến mục tiêu sản xuất xanh, giảm phát thải carbon trong sản xuất để nâng tầm mặt hàng này trở thành thế mạnh của tỉnh.
Nghệ An áp dụng canh tác lúa tưới ướt khô xen kẽ, giảm phát thải
Tại Đắk Lắk, diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng hơn 100.000 ha, chiếm khoảng 34,98% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh. Diện tích lúa được phân bố rộng rãi trên tất cả các địa bàn, trong đó có 5 huyện diện tích lúa lớn hơn 10.000 ha như Ea Súp (24.000 ha), (Krông Pắc) 16.000 ha, Lắk (14.000 ha), Ea Kar (13.000 ha), Krông Ana (12.000 ha).
Đắk Lắk đã hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất lúa giảm phát thải carbon với diện tích trên 4 ha tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Điều này được đánh giá là sự đột phá, tiên phong của Đắk Lắk đối với sản xuất lúa nước để ngành lúa gạo Đắk Lắk đối với định hướng chung của ngành lúa gạo mà Bộ NN&PTNT, Chính phủ đã đề ra.
Theo Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon (doanh nghiệp triển khai mô hình) cho biết, mô hình lúa đang thí điểm tại Đắk Lắk được triển khai theo quy trình canh tác lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất. Đây là một giải pháp kết hợp quy trình canh tác lúa ướt, khô xen kẽ (Alternate wetting and drying hay gọi tắt là AWD) của Viện Lúa quốc tế IRRI, kết hợp với các chế phẩm Nano composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và quy trình bao tiêu báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.
Mô hình này sẽ giúp sản xuất lúa giảm sự phụ thuộc vào các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học lên đến hơn 40%; tăng năng suất từ 15 - 20%; thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất canh tác lúa, gạo sạch hơn… Với giải pháp này, cần xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động để áp dụng công nghệ phù hợp, tuy nhiên, nhiều vùng trồng lúa ở Đắk Lắk hiện có hệ thống thủy lợi khá tốt nên vấn đề này không đáng lo ngại. Vấn đề hiện nay là cần làm tốt công tác truyền thông để người nông dân hiểu được cách làm mới, nâng cao nhận thức sản xuất gắn với môi trường để làm ra những sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường tiêu dùng xanh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh) cũng thông tin, Đắk Lắk rất quan tâm và muốn tham gia thị trường tín chỉ carbon. Về lâu dài sẽ có nhiều chương trình, kế hoạch giảm phát thải carbon trên các loại cây trồng.
Tại Nghệ An, Vụ xuân năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An cùng với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Viện nghiên cứu và phát triển cây trồng, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Công ty Green Carbon và đại diện tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thực hiện dự án tưới ướt khô xen kẽ, giảm phát thải trên diện tích gần 6000 ha tại 5 huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu và Đô Lương. Kết quả vụ đầu cho thấy lúa trong hệ thống tưới ướt khô xen kẽ sinh trưởng của lúa tốt, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh, chống đổ tốt hơn. Năng suất ở các vùng dự án tưới ướt khô xen kẽ tương đương hoặc cao hơn so với tưới ngập truyền thống, trong khi giảm được đến 3 lần bơm tưới nước/vụ. Lượng khí CH4 phát thải giảm được đáng kể so với canh tác lúa gập truyền thống, và có thể được đăng ký thành tín chỉ carbon.
Thành công trong vụ đầu tiên triển khai trên diện tích lớn là cơ sở và tiền đề để Nghệ An tiếp tục mở rộng diện tích tưới tiết kiệm nước, giảm phát thải trên diện tích gần 13000 ha trong vụ hè thu này và dự kiến mở rộng diện tích áp dụng trong những năm tiếp theo.