Thử nghiệm cho thấy thực phẩm bổ sung có chứa men vi sinh không giúp giảm táo bón
Một nhóm các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, vi sinh vật đường ruột và các nhà nghiên cứu sức khỏe quốc tế thông qua thử nghiệm trên những người tình nguyện đã phát hiện ra rằng, việc tiêu thụ men vi sinh Bifidobacterium animalis không mang lại hiệu quả giảm táo bón đáng kể cho những người bị táo bón mãn tính.
Kết quả nghiên cứu. Nguồn: JAMA Network Open (2024).
Trong bài báo được công bố trên JAMA Network Open, nhóm nghiên cứu mô tả cách họ thử nghiệm hiệu quả Bifidobacterium animalis cho các bệnh nhân bị táo bón mãn tính tại một số bệnh viện.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng đối với một số người, táo bón không chỉ là một phiền toái nhỏ, chỉ thỉnh thoảng bị mà nó còn có thể gây gián đoạn nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày nếu trở thành bệnh mãn tính. Trong vài năm qua, một số nhà sản xuất thực phẩm bổ sung đã tuyên bố rằng các sản phẩm của họ, thường chứa men vi sinh, có thể hỗ trợ cho những người thỉnh thoảng bị táo bón hoặc táo bón mãn tính.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng hầu hết các sản phẩm như vậy đều chứa lợi khuẩn Bifidobacterium animalis, được các nhà nghiên cứu trong nỗ lực mới này chú ý tới, nhưng nó chưa được chứng minh là có thể làm giảm tình trạng táo bón.
Những tuyên bố đằng sau lợi ích của các nhà sản xuất thực phẩm bổ sung, bán men lợi khuẩn trên thị trường, thường dựa trên quan niệm rằng một số vấn đề sức khỏe là do có sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Họ tuyên bố rằng bằng cách tiêu thụ sản phẩm lợi khuẩn của họ, mọi người có thể cân bằng lại hệ vi khuẩn đường ruột và chữa khỏi bệnh tật.
Tuy nhiên, hầu hết các loại thực phẩm bổ sung này được bán trên toàn thế giới đều không được các cơ quan y tế của chính phủ kiểm soát hoặc quản trị giám sát, do đó, không thẻ biết được liệu chúng có mang lại những lợi ích như lời tuyên bố hay không. Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu muốn biết rằng, liệu các loại thực phẩm bổ sung có chứa lợi khuẩn được bán ra như là một phương tiện làm giảm táo bón có hiệu quả như các quảng cáo hay không.
Công trình của nhóm nghiên cứu bao gồm việc cho hơn 200 bệnh nhân tại một số bệnh viện ở Trung Quốc dùng giả dược hoặc một liều Bifidobacterium animalis subsp lactis HN019 trong tám tuần. Tất cả những người tình nguyện tham gia nghiên cứu này đều bị táo bón chức năng hay còn gọi là táo bón vô căn mãn tính (functional constipation). Mỗi người tình nguyện được yêu cầu ghi chép lại thành nhật ký mô tả các hoạt động đại tiện của họ.
Nghiên cứu các dữ liệu trong cuốn nhật ký này của họ, nhóm nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt giữa các triệu chứng táo bón ở những tình nguyện viên được dùng men vi sinh và những người được dùng giả dược. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể đây là phản ứng khi tham gia thử nghiệm. Duy nhất chỉ có một sự khác biệt ở những tình nguyện viên trong nhóm dùng giả dược đó là những người này bị đầy hơi và đau nhiều hơn.