Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khảo sát làng nghề tại Bắc Ninh
Hiện nay, toàn tỉnh có 62 làng nghề, trong đó có 31 làng nghề truyền thống thuộc các ngành nghề: Chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất đồ gốm, gỗ, sắt, thép, đúc đồng, nhôm, thêu, dệt… Các làng nghề Bắc Ninh có sự phân bố rộng khắp trong tỉnh, nhiều làng nghề có bước phát triển sôi động, thu hút hơn 76 nghìn lao động tham gia. Tổng giá trị sản xuất của làng nghề Bắc Ninh hiện đạt 7.600 tỷ đồng, bằng 7,78% GDP của tỉnh.
Đoàn công tác trực tiếp tới thăm các cơ sở sản xuất gốm của gia đình ông Nguyễn Hữu Nhung và Nguyễn Minh Ngọc, hiện được coi là những cơ sở phát huy tốt truyền thống làng nghề, có hướng đi phù hợp, sáng tạo, sản xuất những mặt hàng gốm mỹ nghệ, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tuy nhiên, làng nghề gốm chưa khai thác thế mạnh để phát triển vững chắc, sản xuất gốm vẫn chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ; đầu vào, đầu ra bấp bênh, chưa chủ động tìm kiến thị trường tiêu thụ, quá trình sản xuất tại các cơ sở còn gặp khó khăn về vốn, thương hiệu…
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thăm cơ sở sản xuất gốm của gia đình ông Nguyễn Minh Ngọc, xã Phù Lãng (Quế Võ).
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác, các ý kiến đại diện gần 200 hộ, cơ sở sản xuất làng nghề gốm Phù Lãng bày tỏ mong muốn Trung ương và cơ quan chức năng của tỉnh có cơ chế hỗ trợ phát triển làng nghề gốm Phù Lãng như: Thành lập Hiệp hội làng nghề gốm Phù Lãng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đầu tư công nghệ đun đốt, tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, có giải pháp tháo gỡ khó khăn về đầu vào, đầu ra của sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật phát huy thế mạnh làng nghề…
Ghi nhận những kiến nghị, đề nghị của các hộ, cơ sở sản xuất gốm Phù Lãng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Nhân Chiến khẳng định, tại thời điểm hiện nay, làng nghề gốm Phù Lãng đang phát triển, chuyển động theo xu hướng từ sản xuất gốm dân dụng, gốm tâm linh sang gốm mỹ nghệ là hướng đi phù hợp. Để làng nghề có bước phát triển vững chắc, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, bàn giải pháp phối hợp tháo gỡ khó khăn, xây dựng mô hình phát triển làng nghề một cách phù hợp; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ thủ tục xét công nhận nghệ nhân làng nghề trong thời gian sớm nhất.
Đánh giá cao sự nỗ lực bảo tồn và phát triển nghề gốm Phù Lãng của nhiều hộ dân và chính quyền địa phương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Làng nghề gốm Phù Lãng có tuổi đời rất lâu, trên dưới 700 năm. Đây là thế mạnh truyền thống hết sức quý giá. Trong xu hướng phát triển chung của làng nghề, có nhiều mặt tích cực nhưng cũng còn không ít khó khăn. Dù đây là tài sản vô giá, hàng trăm, hàng nghìn năm mới có, nhưng khi hội nhập kinh tế quốc tế, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành chức năng và nỗ lực vươn lên của những người làm nghề thì nguy cơ làng nghề bị mai một rất lớn. Sản phẩm làng nghề trong thời kỳ hội nhập cần gắn với những yếu tố truyền thống. Để các làng nghề phát triển, không thể chỉ tiêu thụ hàng hóa trong nước mà còn phải xuất khẩu sang các nước trong khu vực và quốc tế. Các cơ sở sản xuất cần tìm hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để hướng tới mục tiêu sản xuất và cạnh tranh lành mạnh. Thực tế những khó khăn của làng nghề truyền thống ở Việt Nam nói chung đặt ra yêu cầu sản xuất cần có sự liên kết, nghiên cứu, khảo sát thị trường, hỗ trợ trong mô hình hoạt động hợp tác xã hoặc tổ sản xuất, công ty phù hợp để cùng phát triển.
Nguồn BaoBacNinh.