Gỡ vướng cho việc sản xuất thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang khẩn trương xây dựng đề án hợp tác mới, phù hợp với những quy định hiện hành để trình Bộ KH&CN phê duyệt chủ trương, giúp khôi phục sản xuất thuốc phóng xạ, phục vụ nhu cầu cấp thiết của bệnh nhân.
Khu vực vận hành máy gia tốc cyclotron để sản xuất thuốc phóng xạ FDG tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội
Thời gian qua, báo chí phản ánh về việc nhiều bệnh viện tại TPHCM gặp tình trạng cạn thuốc phóng xạ, gây khó khăn trong việc chụp Pet-CT chẩn đoán ung thư.
Qua phân tích, Sở Y tế TPHCM nhận thấy có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu thuốc. Đầu tiên, nguồn cung cấp dược chất phóng xạ cho thành phố là từ Bệnh viện Chợ Rẫy, lò cyclotron của bệnh viện đã lâu năm nên năng suất sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của các bệnh viện.
Nguyên nhân nữa là do Công ty cổ phần Y học Rạng Đông - đơn vị sản xuất, cung ứng thuốc phóng xạ 18F-FDG (sử dụng trong chụp Pet-CT) - ngừng sản xuất do thủ tục sử dụng tài sản công.
Cụ thể, địa điểm sản xuất của công ty nằm trong khuôn viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (Vinagamma), thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Tại Hà Nội, còn 2 cơ sở khác đã được cấp phép sản xuất phóng xạ. Tuy nhiên, thuốc phóng xạ này có thời gian bán rã rất nhanh, khoảng 2 tiếng. Do đó, việc sử dụng thuốc phải được tiến hành ngay sau khi sản xuất và phương án vận chuyển thuốc từ cơ sở ở Hà Nội về TPHCM là không khả thi.
Về vấn đề này, ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết Viện và Vinagamma đang khẩn trương xây dựng đề án hợp tác mới, phù hợp với những quy định hiện hành để trình Bộ KH&CN xem xét, phê duyệt, cho chủ trương về hợp tác.
"Đây là vấn đề liên quan tới lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao, phải đảm bảo an toàn khi vận hành thiết bị sản xuất thuốc 18F-FDG, nên cần có thời gian. Trong thời gian sớm nhất, Viện và Vinagamma sẽ trình Bộ KH&CN đề án mới này", ông Phạm Quang Minh nói.
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ KH&CN) cho biết, Vinagamma là đơn vị sự nghiệp công, vì thế muốn có một đề án liên doanh liên kết thì phải theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
"Trước đó, đề án của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trình lên Bộ thông qua Vụ Kế hoạch Tài chính, chúng tôi đã có rà soát đề án theo đúng căn cứ pháp luật. Hiện nay, Bộ đã có trả lời lại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và các đơn vị đang hoàn thiện đề án", ông Nguyễn Nam Hải cho biết.
Tinh thần chung của lãnh đạo Bộ KH&CN là chỉ đạo xử lý khẩn trương nhưng cũng phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề khám chữa bệnh cho người dân.