Hội thảo “Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học”
Ngày 20/9/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, phối hợp cùng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các ngành kinh tế - kỹ thuật, và Ban Chủ nhiệm các Chương trình KC.10/21-30, KC.11/21-30, KC.12/21-30 đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực y, dược và công nghệ sinh học”.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo diễn ra với hai phiên. Trong Phiên toàn thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phổ biến kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 189 của Chính phủ và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Nội dung bao gồm các báo cáo chuyên sâu về quản lý công nghệ sinh học (CNSH), nông nghiệp, y tế, và giới thiệu các khung chương trình KC.10/21-30, KC.11/21-30, KC.12/21-30. Phiên chuyên ngành bao gồm ba hội thảo chuyên đề liên quan đến ba chương trình trên.
Phát biểu khai mạc, ông Lưu Quang Minh, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, đã nêu bật những thành tựu đạt được sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị 50 của Ban Bí thư về phát triển và ứng dụng CNSH, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, y dược và môi trường. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng sự phát triển của CNSH vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, và chưa đáp ứng đủ yêu cầu của nền kinh tế trong bối cảnh KH&CN đang tiến bộ mạnh mẽ.
Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành vào ngày 30/01/2023, đã đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển về CNSH, dẫn đầu khu vực châu Á và biến CNSH thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP quốc gia. Thực hiện nghị quyết này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và trình Thủ tướng ban hành 14 chương trình KH&CN quốc gia, cùng với 20 chương trình khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký duyệt.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chia sẻ về thực trạng nghiên cứu CNSH trong nông nghiệp giai đoạn 2005-2020, với 279 nhiệm vụ được thực hiện. Bà Thủy nhấn mạnh sự thiếu hụt sự tham gia của các doanh nghiệp vào các đề tài nghiên cứu, và cho rằng cần có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho lĩnh vực này.
GS.TS Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Chương trình KH&CN quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển CNSH” (KC.12/21-30), nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp để thúc đẩy các nghiên cứu chuyên sâu và quy mô lớn hơn. Ông cho biết, chương trình KC.12/21-30 đặt mục tiêu có 50% nhiệm vụ nghiên cứu có sự tham gia của doanh nghiệp, và trên 20% nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã thảo luận nhiều chủ đề quan trọng, như tiến bộ của CNSH trong nông nghiệp trước tình hình an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ 4.0 trong y tế, nghiên cứu phát triển thuốc từ dược liệu, và sử dụng CNSH để chọn tạo giống cây trồng phù hợp với điều kiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long.