Năm sản phẩm bạn nên ngừng sử dụng để giảm thiểu tiếp xúc với hóa chất vĩnh viễn
Các chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS), được gọi là hóa chất vĩnh viễn dùng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ điện tử đến hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, PFAS lại xuất hiện trong các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, gây lo ngại về ảnh hưởng có hại của nó đến sức khỏe con người.
Theo PGS. TS. Shelley tại Trường Y Icahn thuộc Đại học Mount Sinai (Mỹ), PFAS là hóa chất do con người tạo ra trong phòng thí nghiệm và không có trong tự nhiên. Chúng thực sự hữu ích vì có ưu điểm chống thấm nước, chống dầu, chống vết bẩn nên được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp và cả các sản phẩm tiêu dùng.
Các hóa chất độc hại này cũng có trong đất, nước và không khí, làm tăng mức độ phơi nhiễm của con người. Nghiên cứu gần đây đã xác định sự hiện diện của PFAS không chỉ trong nước mưa ở hầu hết mọi nơi trên Trái đất, mà cả trong nước máy và ngày càng nhiều trong các mặt hàng như trái cây và rau quả.
Một số nghiên cứu cũng đã phát hiện ra PFAS xâm nhập vào máu thông qua tiếp xúc với da. PFAS có nguy cơ gây ung thư, rối loạn nội tiết tố, các vấn đề về sinh sản khác… Mặc dù việc tránh PFAS gần như hoàn toàn không thể, vì chúng xuất hiện ở hầu hết mọi nơi, nhưng mọi người có thể giảm tiếp xúc bằng cách tránh một số sản phẩm hàng ngày có thể chứa PFAS. Trang tin tức Euronews Health của châu Âu đã đưa ra danh sách năm mặt hàng phổ biến có chứa PFAS độc hại mà bạn nên tránh sử dụng.
Một là nồi chảo chống dính
Nhiều loại nồi và chảo chống dính được phủ PTFE, một dạng PFAS, để thức ăn khi nấu không bị dính vào bề mặt. Khi lớp phủ chống dính bị nung nóng, trầy xước hoặc bắt đầu mòn đi, nó có thể sẽ phân hủy và giải phóng PFAS vào thực phẩm đang chế biến. Để giảm tiếp xúc, PGS.TS. Liu cho rằng mọi người nên lựa chọn các giải pháp thay thế như thép không gỉ hoặc thường xuyên thay thế nồi chảo chống dính cũ.
Bao bì thực phẩm
PFAS đôi khi được sử dụng trong các vật liệu đóng gói thực phẩm dùng một lần như túi đựng bỏng ngô dùng trong lò vi sóng, giấy gói thức ăn nhanh và hộp đựng pizza, vì khả năng chống dầu mỡ của chúng.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người thường xuyên ăn ngoài có mức PFAS trong máu cao hơn so với những người thường xuyên ăn đồ nấu tại nhà. Như vậy, các hóa chất này có thể chuyển từ bao bì vào thực phẩm. Hiện nay, một số quốc gia và công ty đang từng bước triển khai hạn chế sự hiện diện của các hóa chất độc hại này trong bao bì thực phẩm.
Theo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), đầu năm nay, bao bì chứa PFAS đã bị cấm bán tại Hoa Kỳ. Một số chuỗi cửa hàng ăn nhanh như Burger King, McDonald's và Wendy's, cũng đã công bố kế hoạch loại bỏ hoặc loại bỏ dần PFAS trong bao bì của họ.
Tuy nhiên, tránh sử dụng đồ ăn mang đi và bao bì dùng một lần thông qua lựa chọn các bữa ăn nấu tại nhà hoặc sử dụng hộp đựng trên nhãn ghi không chứa PFAS, có thể là cách hiệu quả để giảm tiếp xúc với các hóa chất này.
Sản phẩm làm đẹp
PFAS thường được bổ sung vào nhiều sản phẩm làm đẹp. Chúng thường có trong các sản phẩm hứa hẹn mang lại hiệu quả lâu dài như kem chống nắng và mascara chống thấm nước. Chúng cũng xuất hiện trong các loại mỹ phẩm khác như son môi, phấn mắt và sơn móng tay.
Việc đưa PFAS vào các sản phẩm này gây ra những rủi ro lớn vì chúng có thể được hấp thụ qua da vào máu, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Để giảm tiếp xúc với PFAS trong mỹ phẩm, mọi người nên sử dụng các sản phẩm được dán nhãn không chứa PFAS hoặc kiểm tra danh sách thành phần.
Các sản phẩm chăm sóc cá nhân như sản phẩm dùng trong kỳ kinh nguyệt
PFAS không chỉ có trong mỹ phẩm mà cả trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc cá nhân, bao gồm các sản phẩm dành cho nữ giới trong thời kỳ kinh nguyệt. PFAS được sử dụng để tăng độ bền, khả năng chống ẩm và khả năng lan tỏa của nhiều sản phẩm khác nhau, khiến chúng thường được sử dụng trong các loại kem dưỡng da. Một số sản phẩm dùng trong thời kỳ kinh nguyệt, như băng vệ sinh và đồ lót trong thời kỳ kinh nguyệt, cũng sử dụng PFAS để cải thiện khả năng thấm hút.
Một nghiên cứu về người tiêu dùng năm 2022 do trang web Mamavation phối hợp với Tổ chức Environmental Health News thực hiện, đã phát hiện ra rằng một loạt các sản phẩm dùng trong thời kỳ kinh nguyệt có chứa hóa chất PFAS ở một mức độ nào đó dựa trên phân tích trong phòng thí nghiệm về các sản phẩm dùng trong thời kỳ kinh nguyệt. Kết quả là hóa chất vĩnh viễn có trong 48% số băng vệ sinh và bỉm dùng cho người bệnh và 22% tampon, băng vệ sinh dạng nút, bao gồm hai loại được dán nhãn "hữu cơ".
Theo một báo cáo năm 2021 của Mamavation, 65% đồ lót dùng trong thời kỳ kinh nguyệt được thử nghiệm có chứa PFAS. Để giảm thiểu tiếp xúc, người tiêu dùng có thể tìm đến thương hiệu sản phẩm có ghi rõ không chứa PFAS.
Vải chống thấm nước và chống bám bẩn
Theo báo cáo của tổ chức Toxic-Free Future, 72% sản phẩm thử nghiệm có dán nhãn chống nước hoặc chống bám bẩn đều có sự xuất hiện của PFAS.
Các loại vải chống bám bẩn cho một số vật dụng gia đình như thảm và ghế sofa có đặc tính chống bám bẩn được xử lý bằng PFAS, khiến nhiều người có nguy cơ tiếp xúc với hóa chất này ngay từ trong gia đình thông qua tiếp xúc với da hoặc hít phải bụi từ các sản phẩm này. Tương tự, các mặt hàng quần áo như áo mưa và áo khoác chống thấm nước thường có đặc tính chống thấm nước là nhờ vào hóa chất độc hại này.
Để tránh tiếp xúc với PFAS, mọi người cần xem liệu các thương hiệu quần áo hay sản phẩm gia dụng đã được loại bỏ PFAS hay chưa hoặc cân nhắc tránh hoàn toàn các mặt hàng chống bám bẩn và chống thấm nước.
Khi nhận thức của người dân về PFAS ngày càng được nâng lên, sẽ khuyến khích các ngành công nghiệp tìm kiếm những giải pháp thay thế để vẫn đảm bảo được các đặc tính chống nước và chống bám bẩn tương tự mà không cần sử dụng hóa chất vĩnh viễn. Tuy nhiên, trách nhiệm chính thuộc về các quốc gia trong quản lý việc sử dụng PFAS và hạn chế ô nhiễm.