Nguy cơ cao về tồn dư kháng sinh trong chuỗi sản xuất thịt gà
Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã tiến hành một số nghiên cứu về tồn dư kháng sinh và tình trạng kháng kháng sinh trong chuỗi sản xuất thịt gà ở nước ta.
Trong khuôn khổ dự án One Health Poultry Hub (OHPH), nhóm tác giả đến từ Viện Thú y thuộc Bộ NN&PTNT và Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD) của Pháp tại Hà Nội đã cùng cộng sự quốc tế tiến hành một nghiên cứu về tồn dư kháng sinh trên thịt gà sống tại Việt Nam.
Nghiên cứu thí điểm này là vòng 1 của dự án, trong đó nhóm tác giả thu thập 45 mẫu thịt gà sống (năm mẫu ở mỗi địa điểm) từ bốn chợ, một lò mổ và bốn trang trại tại Bắc Giang và Thái Nguyên, từ tháng 3 đến tháng 4/2021. Đồng thời, nhóm tiến hành phỏng vấn nông dân về việc sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi gà và phân tích các mẫu thịt bằng kỹ thuật sắc ký lỏng - khối phổ.
Kết quả đã phát hiện bảy loại kháng sinh thuộc bốn nhóm khác nhau (tetracycline, sulphonamides, macrolides và fluoroquinolone) trong các mẫu thịt.
Đối với các mẫu từ trang trại, dù một trang trại thừa nhận có sử dụng kháng sinh, các mẫu từ trang trại này lại không cho thấy kháng sinh tồn dư. Ngược lại, mẫu từ ba trang trại còn lại chứa lượng kháng sinh vượt mức cho phép từ 0,5 đến hơn 10 lần so với giới hạn dư lượng tối đa (MRL) được quy định, dù họ tuyên bố không sử dụng kháng sinh.
Đối với các mẫu thu thập từ các chợ, nơi gà được cung cấp từ nhiều trang trại khác nhau, 20% số mẫu được xác định tồn dư ít nhất một loại kháng sinh.
Nghiên cứu không phát hiện dư lượng kháng sinh trong các mẫu thịt ở các lò mổ.
Tóm lại, dư lượng kháng sinh phổ biến hơn trong thịt gà lấy từ các trang trại (70%) so với từ chợ (20%) hoặc lò mổ (0%). Theo các tác giả, điều này có thể do các con gà trong cùng một lô sản xuất ở trang trại có chung "tiền sử phơi nhiễm" với kháng sinh. Bên cạnh đó, khi gà được đưa đến chợ và lò mổ - giai đoạn cuối của quá trình sản xuất thì chúng thường ít được cho sử dụng kháng sinh hơn so với khi được nuôi ở trang trại.
Chăm sóc gà thương phẩm tại một hộ dân ở Yên Dũng, Bắc Giang.
Điểm đáng chú ý nhất mà nghiên cứu chỉ ra là xác suất phát hiện dư lượng kháng sinh trong một đàn gà bằng cách lấy mẫu chỉ một con gà khá cao, lên tới 93%. Đồng thời, có sự chênh lệch giữa báo cáo của người nông dân về việc sử dụng kháng sinh và thực tế dư lượng kháng sinh được phát hiện trong các mẫu thịt lấy từ trang trại nuôi gà khi có tới ba trong bốn trang trại tuyên bố không sử dụng nhưng kết quả lại cho thấy điều ngược lại. Nghịch lý này có thể đến từ việc nông dân không trung thực hoặc quên mất việc mình đã sử dụng kháng sinh hoặc kháng sinh đã được đưa vào gà qua thức ăn chăn nuôi mà họ không biết.
Nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng mặc dù số lượng mẫu thịt gà có chứa dư lượng kháng sinh giảm khi đi từ trang trại đến các chợ song vẫn có khả năng kháng sinh tồn dư trong các mẫu thịt bán lẻ và xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người.
|
Sau khi kết thúc vòng 1 với các nghiên cứu cắt ngang theo chuỗi sản xuất thịt gà (trang trại, lò mổ, chợ), ở vòng 2, các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế tiến hành nghiên cứu theo dõi dọc (theo tuổi gà), tập trung vào các trang trại.
Theo đó, họ tiến hành xác định mức độ dương tính với kháng sinh của mẫu thịt và mẫu lông của lô gà thịt lông màu với bốn lần thăm vào các thời điểm khác nhau (xấp xỉ 7 – 12 ngày, xấp xỉ 30 – 40 ngày, xấp xỉ 100 – 120 ngày và xấp xỉ 150 ngày).
Kết quả nghiên cứu trên mẫu gà lông màu ở Việt Nam cho thấy, vào lần cuối cùng, ngay trước khi xuất chuồng, tỷ lệ gà tồn dư kháng sinh lên tới 10,2%, mặc dù theo thông tin mà các trang trại cung cấp thì họ không sử dụng kháng sinh ở thời điểm diễn ra lần thăm thứ 4.
Ngoài ra, mẫu manh tràng từ 114 con gà cũng đã được thu thập và phân tích để kiểm tra về quần thể gen kháng kháng sinh bởi ruột gia cầm chính là nguồn lưu cữu chủ yếu của gen kháng, có khả năng lây truyền sang người qua chuỗi thức ăn. Nhóm nghiên cứu tìm ra 31 gen kháng tám nhóm kháng sinh khác nhau trong 98% mẫu manh tràng gà.
Qua hai giai đoạn nghiên cứu, từ kết quả thực tế về vấn đề tồn dư kháng sinh và kháng kháng sinh trong thịt gà tại Việt Nam, nhóm tác giả đã cảnh báo nguy cơ cao về tồn dư kháng sinh và lây truyền gen kháng kháng sinh trong chuỗi sản xuất thịt gà lông màu.
Nhóm tác giả đề xuất thiết lập nghiên cứu mở rộng sang các tỉnh khác ở Việt Nam để thu thập thêm bằng chứng khoa học từ các trang trại gia cầm (gà, vịt…). Các nghiên cứu can thiệp cũng nên được triển khai ở một số trang trại nhằm tăng cường năng lực giám sát, quản lý sử dụng kháng sinh thận trọng; chuyển giao kiến thức về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về lĩnh vực kháng kháng sinh cho các bên liên quan cấp tỉnh/vùng và bác sĩ thú y tại các trang trại... Ngoài ra, cần tối ưu hóa Sổ tay an toàn sinh học tại trang trại để đảm bảo an toàn thực phẩm cho thịt gia cầm.
|