Phát triển vaccine ngừa virus Marburg

18/10/2024 07:35 Số lượt xem: 7

Các nhà khoa học trên toàn cầu đang trong cuộc đua với thời gian để phát triển các loại vaccine và phương pháp điều trị nhằm đối phó với virus Marburg, một loại virus gây sốt xuất huyết nguy hiểm tương tự như Ebola.

Virus này hiện đang bùng phát mạnh mẽ tại Rwanda, khiến cộng đồng y tế quốc tế lo ngại về nguy cơ bùng nổ một đại dịch nghiêm trọng. Tính đến cuối tháng 9, quốc gia này đã ghi nhận 27 ca nhiễm, trong đó có 9 ca tử vong. Phần lớn các ca bệnh được phát hiện ở thủ đô Kigali. Dù chính phủ Rwanda đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh, các nhà khoa học cảnh báo rằng nguy cơ lây lan sang các quốc gia láng giềng vẫn ở mức rất cao, đòi hỏi sự chuẩn bị sẵn sàng từ cộng đồng quốc tế.

Virus Marburg thuộc họ Filoviridae, cùng với virus Ebola, và được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967 trong một đợt bùng phát tại Marburg và Frankfurt (Đức), cũng như Belgrade (Serbia), khi một nhóm công nhân phòng thí nghiệm tiếp xúc với mô từ loài khỉ nhập khẩu từ Uganda. Virus này có tỷ lệ tử vong dao động từ 24% đến 88%, tùy thuộc vào các biến thể virus và điều kiện chăm sóc y tế. Virus lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất dịch cơ thể, hoặc các bề mặt nhiễm bẩn từ người bị bệnh, khiến nó trở thành một mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm đối với các cơ sở y tế.

Mới đây, Cơ quan Giám sát Liên bang Nga về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an sinh con người (Rospotrebnadzor) thông báo. "Các nhân viên của Trung tâm nghiên cứu Vector State thuộc Rospotrebnadzor đã phát triển một loại vaccine phòng ngừa bệnh sốt Marburg. Quá trình phát triển đã vượt qua các thử nghiệm tiền lâm sàng, chứng minh được tính an toàn và hiệu quả của vaccine" - tuyên bố hôm 8/10/2024 cho biết. Vaccine ngừa virus Marburg hiện đã gần sẵn sàng cho các thử nghiệm lâm sàng, một lô sản xuất hiện đang được chuẩn bị. Việc hoàn thiện hồ sơ đang được tiến hành để xin phê duyệt tiến hành các thử nghiệm.

Khi Nga tiến hành phát triển vaccine, giới chức y tế trên toàn cầu đang tăng cường nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus Marburg. Để ứng phó với đợt bùng phát virus Marburg đang leo thang ở Rwanda, cơ quan y tế Mỹ đã thông báo rằng du khách đến từ quốc gia Đông Phi này phải trải qua các biện pháp sàng lọc khi nhập cảnh vào Mỹ. "Từ ngày 14/10, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ bắt đầu sàng lọc y tế công cộng đối với những du khách nhập cảnh vào Mỹ đã ở Rwanda trong 21 ngày qua" - tuyên bố từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ cho biết.

Để ngăn chặn sự lây lan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các nhà khoa học Rwanda và nhóm MARVAC (Liên minh nghiên cứu vaccine Marburg) nhằm thảo luận về việc thử nghiệm hai loại vaccine tiềm năng. Một loại do Viện Vaccine Sabin tại Washington DC (Mỹ) phát triển, và loại còn lại do Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu. Hiện cả hai loại vaccine này đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng rộng rãi. Quá trình thử nghiệm vaccine Marburg hiện đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc xác định liều lượng hiệu quả, tốc độ sản xuất và triển khai, cũng như thời gian để xây dựng miễn dịch cộng đồng.

Ngoài việc phát triển vaccine, WHO cũng lên kế hoạch thử nghiệm thuốc kháng virus Remdesivir và các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng tại Rwanda. Remdesivir, ban đầu được phát triển để điều trị virus Ebola, đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị COVID-19. Dù hiệu quả của thuốc đối với virus Marburg vẫn đang trong quá trình đánh giá, Remdesivir được kỳ vọng sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh bằng cách ức chế sự nhân lên của virus trong cơ thể.

Phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng cũng được xem là một lựa chọn tiềm năng trong cuộc chiến chống lại virus Marburg. Các kháng thể đơn dòng được tạo ra trong phòng thí nghiệm có khả năng nhận diện và tiêu diệt virus, từ đó giúp cơ thể bệnh nhân phục hồi nhanh hơn. Những tiến bộ trong nghiên cứu Ebola đã cung cấp một nền tảng quan trọng cho việc phát triển các loại thuốc điều trị tương tự cho virus Marburg.

Người mắc bệnh do virus Marburg thường có các triệu chứng ban đầu như sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội và cảm giác suy nhược. Các triệu chứng này nhanh chóng tiến triển thành tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng và xuất huyết trong hoặc ngoài cơ thể. Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể tử vong do mất máu nhiều và suy tạng. Việc phát hiện sớm và chăm sóc y tế tích cực, bao gồm cung cấp dịch truyền và điều chỉnh cân bằng điện giải, là yếu tố quyết định sống còn.

Virus Marburg có nguồn gốc từ loài dơi, đặc biệt là loài dơi ăn quả Rousettus, được cho là vật chủ tự nhiên của virus này. Con người có thể bị lây nhiễm thông qua tiếp xúc với phân, nước tiểu hoặc dịch tiết từ dơi, hoặc qua việc xử lý xác động vật bị nhiễm bệnh. Một khi virus lây lan sang người, nó có thể lan truyền từ người sang người qua các chất dịch cơ thể, như máu, nước bọt, dịch nhầy, và các bề mặt bị nhiễm bẩn.

Dù cuộc chiến với virus Marburg vẫn còn dài và nhiều thách thức, nhưng với sự hợp tác quốc tế và tiến bộ khoa học trong nghiên cứu vaccine và các biện pháp điều trị, hy vọng rằng sự bùng phát lần này sẽ sớm được kiểm soát. Việc phòng ngừa và phát hiện kịp thời cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng rãi.

Nguồn: NASATI

Thống kê truy cập

Online : 4300
Đã truy cập : 150718019