Sản xuất hạt giống và cây giống mới chất lượng cao phục vụ trồng mới và trồng tái canh cà phê ở các vùng trọng điểm, tập trung
Hiện nay, diện tích cà phê cả nước khoảng 688.300 ha, tuy nhiên diện tích cà phê già cỗi cho năng suất thấp ước tính chiếm khoảng 30% tổng diện tích (khoảng 200.000 ha) (Cục trồng trọt, 2019).
Những diện tích cà phê trên 20 năm tuổi đã có dấu hiệu già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất và chất lượng thấp cần phải trồng lại. Một trở ngại lớn của vấn đề tái canh là sau 2 - 3 năm trồng, nhiều diện tích cà phê bị vàng lá, dẫn đến rụng lá, khô cành và chết gây thiệt hại về kinh tế. Nguyên nhân được xác định là do các loại tuyến trùng Pratylenchus coffeae và Meloidogyn sp. trong đất tấn công vào rễ gây vết thương cơ giới, sau đó là nấm Fusarium xâm nhập gây thối rễ cà phê. Nguyên nhân chủ yếu là trong quá trình sản xuất cây con bị nhiễm bệnh, đặc biệt là tuyến trùng và nấm gây hại rễ. Nguồn giống bị nhiễm tuyến trùng và nấm cũng là vấn đề nan giải, kết quả điều tra cho thấy có khoảng 90% số vườn ươm cây giống cà phê đã bị nhiễm bệnh, đây là nguồn lây lan tuyến trùng ra ngoài đồng ruộng rất nguy hiểm.
Hiện nay, hạt giống, cây giống cà phê vối lai TRS1, giống cà phê chín muộn TR14, TR15, giống cà phê chè lai THA1 là những giống mới đã được công nhận đưa vào sản xuất đại trà. Việc canh tác chăm sóc vườn sản xuất, chế biến hạt giống và sản xuất cây giống cũng như xây dựng mô hình canh tác giống mới phải được áp dụng theo quy trình cải tiến và bổ sung cải tiến một số kỹ thuật phù hợp với công tác sản xuất giống chất lượng cao phục vụ trồng mới và trồng tái canh. Vì vậy, đề tài: “Sản xuất hạt giống và cây giống mới chất lượng cao phục vụ trồng mới và trồng tái canh cà phê ở các vùng trọng điểm, tập trung” do ThS. Đào Hữu Hiền và các cộng sự tại Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020, là rất cần thiết.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: hoàn thiện các quy trình sản xuất hạt giống, cây giống, đáp ứng yêu cầu sản xuất cà phê bền vững, giảm phát khí thải nhà kính và cho năng suất ổn định, gia tăng chất lượng cà phê và giá trị nội tiêu và xuất khẩu; liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hạt giống, cây giống mới,hạt giống cây giống đang trồng phổ biến bảo đảm chất lượng, chuyển giao cho sản xuất đáp ứng đủ trồng cho các vùng trồng tập trung trên cả nước; và xây dựng các mô hình sản xuất cà phê (20 ha cà phê vối và 10 ha cà phê chè) bền vững tại các vùng đại diện. Năng suất mô hình cao hơn so với mô hình đối chứng tại các địa phương từ 10 - 15%. Năng suất vào kinh doanh ổn định cà phê vối (trên 3 tấn nhân/ha); cà phê chè (trên 2,5tấn nhân/ha).
Đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Quy trình canh tác vườn sản xuất hạt giống lai đa dòng và vườn nhân giống đầu dòng cà phê (Ban hành theo QĐ số 73/QĐ-TT-CCN ngày 20/4/2021)
Tổng hợp cải tiến một số biện pháp kỹ thuật cho phù hợp để ứng dụng trong quá trình trồng và chăm sóc vườn sản xuất hạt giống lai đa dòng TRS1, vườn nhân giống đầu dòng làm chất lượng hạt giống, chồi giống tăng, giảm tỷ lệ lẫn tạp và không đạt tiêu chuẩn nhỏ hơn 5%. Sau 3 năm thực hiện dự án, do áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến cộng với đầu tư thâm canh hiệu quả đã góp phần tăng năng suất chất lượng giống, trung bình thu hoạch được 2,3 - 2,5 tấn hạt giống/ha vườn sản xuất hạt lai TRS1/năm (tăng 15-25%), 600 - 700 ngàn chồi ghép/ha vườn nhân chồi/năm (tăng 20%).
- Quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản hạt giống cà phê (Ban hành theo QĐ số 73/QĐ-TT-CCN ngày 20/4/2021)
Áp dụng các công nghệ chế biến rút ngắn 1/2 thời gian chế biến hạt giống, giảm 20% chi phí sản xuất giống nhưng hạt giống vẫn đảm bảo sức sống và nẩy mầm như phương pháp chế biến trước đây. Hạt giống sau lưu trữ 6 tháng cho tỷ lệ nẩy mầm khá cao trên 80%, giải quyết được nguồn hạt giống đầu vào đảm bảo chất lượng cho quá trình gieo ươm sớm đúng thời vụ.
- Quy trình sản xuất cây cà phê giống sạch bệnh, chất lượng cao (Ban hành theo QĐ số 73/QĐ-TT-CCN ngày 20/4/2021)
Áp dụng quy trình phơi ủ đất và sử dụng bầu kích cỡ 12 x 22 cm tiết kiệm chi phí đầu tư cho ruột bầu khoảng 10% so với sử dụng bầu có kích cỡ 13 x 23 cm, cây sinh trưởng tốt và cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn hoàn toàn không có nấm bệnh và tuyến trùng gây hại.
- Quy trình công nghệ nhân giống cà phê chất lượng cao bằng phương pháp in vitro theo hướng quy mô công nghiệp (Ban hành theo QĐ số 96/QĐ-TT-CCN ngày 07/5/2021)
Đã cải tiến môi trường nuôi cấy phù hợp và giá thể ra ngôi tốt làm tăng hệ số nhân giảm giá thành sản xuất cây giống theo hướng công nghiệp. Theo quy trình cũ giá thành sản xuất khoảng 15.000 đồng cho một cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Áp dụng theo quy trình được cải tiến giá thành giảm còn khoảng 10.000 đồng.
Cây giống và hạt giống đã sản xuất cung cấp cho các nông hộ và đơn vị trồng cà phê trong vùng Tây Nguyên trồng mới/tái canh cà phê với diện tích ước tính 13.000 - 15.000 ha cà phê vối và 20 - 30 ha cà phê chè. Các diện tích trồng mới/tái canh với mức đầu tư tương đương nhau, ứng dụng các giống mới sẽ làm tăng năng suất so với giống cũ từ 1-2 tấn nhân/ha, chất lượng sản phẩm cũng tăng hơn. Do đó làm tăng lợi nhuận từ 15-20% trên cùng đơn vị diện tích.
- Xây dựng mô hình trồng các giống cà phê mới, canh tác bền vững
Đã trồng mới 30 ha (20 ha cà phê vối gồm 2 giống TR14, TR15 (chín muộn) và 10 ha cà phê chè THA1 tại các vùng sản xuất cà phê trọng điểm của cả nước.
+ Mô hình giống cà phê vối TR14, TR15: Mô hình 10 ha trồng năm 2018, tại Công ty TNHH một thành viên cà phê 716, Đắk Lắk, cây sinh trưởng tương đối tốt, tỷ lệ chết < 5% đã được trồng dặm kịp thời. Năng suất năm 2020 đạt trung bình 1 tấn nhân/ha. Năm 2019 tiếp tục xây dựng mô hình trồng mới 5 ha tại Công ty chè Bàu Cạn, tỉnh Gia Lai và 5 ha tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1, tỉnh Đắk Nông. Hiện cây cà phê tại các mô hình sinh trưởng tốt và tỷ lệ cây chết < 5%, đã được trồng dặm.
+ Mô hình giống cà phê chè lai THA1: Năm 2019 trồng mới 5 ha tại Sơn La (Hợp tác xã cà phê Bích Thao Sơn La) và trồng mới 5 ha tại Kon Tum (Công ty TNHH Việt Khang Nông). Hiện nay vườn cây đang sinh trưởng phát triển khá tốt, tỷ lệ cây chết < 5%, đã được trồng dặm.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19967/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.