Ứng dụng chỉ thị phân tử để chọn giống keo lai kháng bệnh chết héo do nấm Ceratocystis manginecans
Trong những năm gần đây, nấm gây bệnh chết héo Ceratocystis manginecans đang gây chết rừng keo với quy mô lớn ở Indonesia, Việt Nam và Malaysia với hàng ngàn héc ta rừng bị nhiễm bệnh. Do sự nguy hiểm gây ra bởi nấm C. manginecans nên đã có nhiều thí nghiệm nhiễm bệnh nhân tạo đã được thực hiện để thử nghiệm khả năng chống chịu bệnh với các quy mô khác nhau cho các loài keo ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Xu hướng trồng rừng trên thế giới hiện nay là sử dụng các dòng/giống cây trồng mang tính trạng kháng bệnh hoặc có khả năng chống chịu bệnh cao để quản lý bệnh. Do vậy việc chọn được những dòng keo lai mang tính trạng kháng bệnh chết héo để phục vụ trồng rừng trong tương lai để giảm thiểu thiệt hại, giảm rủi ro cho người trồng rừng keo lai là cần thiết.
Việc nghiên cứu và chọn các dòng keo lai có khả năng kháng bệnh chết héo với sự trợ giúp của các chỉ thị phân tử sẽ giúp công tác chọn giống nhanh hơn, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống. Đồng thời việc chọn được các giống keo lai có khả năng kháng bệnh chết héo và sinh trưởng nhanh sẽ bổ sung thêm cho cơ cấu cây trồng, giúp người trồng rừng có thêm lựa chọn, có được các giống keo tốt, chống chịu bệnh, sinh trưởng nhanh và sẽ giảm thiệt hại do bệnh chết héo gây ra và mang lại lợi ích cao hơn cho người trồng rừng. Từ thực tế trên, TS. Trần Thanh Trăng và nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng chỉ thị phân tử để chọn giống keo lai kháng bệnh chết héo do nấm Ceratocystis manginecans” từ năm 2019 đến năm 2020.
Đề tài nhằm thực hiện ba mục tiêu sau: chọn được 3-5 dòng keo lai có triển vọng mang tính trạng kháng bệnh chết héo, sinh trưởng tương đương với các giống đã được công nhận; chọn được bộ chỉ thị phân tử SNP liên quan đến tính trạng kháng bệnh chết héo; và xây dựng được Quy trình chọn giống keo lai kháng bệnh chết héo do nấm Ceratocystis manginecans bằng chỉ thị phân tử.
Sau hai năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã chọn được ba dòng keo lai (92/1, 102 và BV567) triển vọng, có khả năng kháng bệnh chết héo do nấm Ceratocystis manginecans ở cấp bệnh C0 (chiều dài vết bệnh trên thân nhỏ hơn 10 cm khi đánh giá ở vườn ươm). Ba dòng keo lai (92/1, 102 và BV567) có sinh trưởng về đường kính và chiều cao tương đương (p<0,001) với một số dòng là giống Quốc gia (như BV16, BV32, BV33, AH1, AH7) và giống TBKT (như BV71, BV75) ở trên cả ba mô hình khảo nghiệm
- Đã xây dựng được 03 mô hình khảo nghiệm ở Phú Thọ, Quảng Trị và Đồng Nai (2ha/mô hình), ba dòng keo lai (92/1, 102 và BV567) có tỷ lệ sống từ 90 - 100 % trên cả ba mô hình.
- Đã xác định được 04 chỉ thị SNP (S1964, S2537, S2918 và S1925) liên quan đến tính trạng kháng bệnh chết héo (giá trị p là từ 5,62E -05 đến 1,33E -04).
- Đã xây dựng được Quy trình chọn giống keo lai kháng bệnh chết héo do nấm C. manginecans bằng chỉ thị phân tử.
Kết quả nghiên cứu góp phần thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đề tài sẽ là mô hình của sự kết hợp giữa chọn giống truyền thống và sử dụng chỉ thị phân tử trong chọn giống cây rừng cũng như rút ngắn được thời gian nghiên cứu cho các chương trình chọn giống.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20237/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.