Việt Nam - Liên bang Nga thúc đẩy hợp tác KH&CN và giáo dục

13/09/2024 07:30 Số lượt xem: 10

Khóa họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ (Khóa họp Ủy ban) thuộc Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật diễn ra vào ngày 10/9/2024 tại Mát-xcơ-va, Liên bang Nga đã tổng kết, đánh giá và rà soát các nội dung hợp tác, xác định phương hướng hợp tác giai đoạn tới.

Phân ban Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định làm Trưởng đoàn. Phân ban Nga do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Mogilievsky Konstantin Iliych làm Trưởng đoàn. 

Về phía Việt Nam có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và một số tổ chức khoa học và giáo dục đại học.

Về phía Nga có sự tham gia của hơn 40 đại biểu là đại diện Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga, Bộ Giáo dục phổ thông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Cơ quan hợp tác quốc tế Liên bang, Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Nhiệt đới Việt - Nga, các tổ chức khoa học và giáo dục đại học. 


Toàn cảnh Khoá họp.

Phát biểu tại Khoá họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nhấn mạnh, cùng với việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực KH&CN ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Mới đây, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Liên bang Nga đến Việt Nam vào tháng 6/2024, Lãnh đạo hai Nhà nước đã ra tuyên bố chung, trong đó nêu rõ “ủng hộ tính chất chiến lược trong hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh năm 2024 là năm Việt Nam và Liên bang Nga kỷ niệm 10 năm ngày ký Hiệp định về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, KH&CN - Hiệp định đặt dấu mốc quan trọng trong hợp tác về KH&CN giữa hai nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, trong 10 năm qua, 4 Khóa họp Ủy ban đã được tổ chức mang lại những kết quả đáng khích lệ về hợp tác giáo dục, KH&CN. Khóa họp lần thứ 5 kỳ vọng sẽ tạo một xung lực mới cho phát triển hợp tác giữa hai nước, hai Bên sẽ thảo luận, thống nhất những phương hướng và những nội dung cụ thể để làm sâu sắc hơn nội hàm chiến lược của hợp tác về giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, Việt Nam luôn coi trọng phát triển KH&CN. KH&CN được xác định là “động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”, góp phần thực hiện các mục tiêu cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn tới. Thứ trưởng khẳng định, để đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển kinh tế, Việt Nam rất cần sự hợp tác chặt chẽ về giáo dục, KH&CN với các nước trên thế giới, đặc biệt là với Liên bang Nga là nước có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Konstantin Mogilevsky nhấn mạnh Nga luôn quan tâm và thúc đẩy hợp tác KH&CN, giáo dục mạnh mẽ với Việt Nam và đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Hai bên đang tích cực hợp tác trong nghiên cứu biển, dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành công việc thống nhất thỏa thuận liên chính phủ về việc chuyển tàu nghiên cứu “Giáo sư Gagarinsky” sang Việt Nam để tiến hành nghiên cứu chung trong vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, nhiều hoạt động có ý nghĩa đã được tổ chức như thành lập Hiệp hội các trường đại học kỹ thuật Nga - Việt (12/2023), Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Nga và Việt Nam lần thứ 2… 

 


Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định - Chủ tịch Phân ban Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Mogilievskyi Konstantin Iliych - Chủ tịch Phân ban Liên Bang Nga ký kết thỏa thuận hợp tác.

Về phối hợp đào tạo nhân lực cấp quốc gia, Liên bang Nga tiếp tục cấp cho Việt Nam hạn ngạch đào tạo 1.000 suất/năm và đã đạt được thỏa thuận số lượng tuyển dụng trực tiếp các thí sinh theo chỉ tiêu của chính phủ cho năm học 2025-2026.

Tại Khóa họp lần thứ 5, hai bên đã thảo luận các vấn đề về hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục đại học, giáo dục phổ thông và đào tạo ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Nga ở mỗi nước với gần 20 tham luận được trình bày. 

Hai bên trao đổi và thống nhất tiếp tục tích cực triển khai các nội dung hợp tác, tiếp tục tổ chức tuyển chọn để đồng tài trợ các dự án hợp tác nghiên cứu chung, tổ chức thực hiện các cam kết đạt được trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn tất đàm phán Hiệp định giữa hai Chính phủ về thành lập và hoạt động của Trung tâm Pushkin để ký kết trong năm 2024, tiếp tục tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo chung tại hai nước trong lĩnh vực hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục và văn hóa... 

Hai bên đã ký kết một loạt văn bản làm nền tảng cho hợp tác song phương trong lĩnh vực KH&CN và giáo dục bao gồm: Bản ghi nhớ về gia nhập Mạng lưới các trường đại học kỹ thuật Nga, Việt; Bản ghi nhớ về thành lập Mạng lưới các trường đại học chuyên ngành kinh tế Nga - Việt; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Thỏa thuận về chương trình trao đổi học thuật Trường Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả Khoá họp, hai Bên đã ký Biên bản Khóa họp với nhiều nội dung quan trọng như: 

Thống nhất tổ chức kêu gọi tuyển chọn nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung ngay trong năm 2024, tiến tới việc ký kết một Thỏa thuận hợp tác về tổ chức tuyển chọn hằng năm giữa hai Bộ. Về lĩnh vực ưu tiên hợp tác, Bộ KH&CN đề nghị mở rộng thêm, ngoài 5 lĩnh vực đã kêu gọi trong năm 2023, các lĩnh vực có nhu cầu lớn như công nghệ sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và khoa học xã hội và nhân văn;

Ủng hộ việc tiếp tục hợp tác nghiên cứu chung giữa các viện thuộc Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga với các viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các tổ chức khoa học khác của Việt Nam...

Đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cùng phát triển chương trình nghiên cứu mới giai đoạn 2026 - 2035;

Ghi nhận hiệu quả hợp tác giữa Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tư cách là thành viên của tổ chức nghiên cứu liên chính phủ quốc tế “Viện liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna” (JINR), các Bên bày tỏ quan tâm đến việc phát triển hợp tác song phương trong việc tiến hành nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực khoa học có trình độ cao trên cơ sở hạ tầng nghiên cứu của JINR, đặc biệt là tổ hợp máy gia tốc NICA và kính viễn vọng neutrino nước sâu Baikal-GVD.

Các Bên ủng hộ sáng kiến của Trung tâm thông tin khoa học Nga về việc phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Tuần Khoa học Việt Nam vào mùa thu năm 2025.

Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ

Thống kê truy cập

Online : 2833
Đã truy cập : 150726789